'Bệ đỡ' để giáo dục cất cánh
Để phát triển, không một quốc gia nào không chú trọng tới giáo dục. Vậy làm thế nào để giáo dục Việt Nam phát triển và cất cánh?
GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam có những trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại xung quanh vấn đề này.
Không có giáo dục, đất nước không phát triển
- Giáo dục gắn liền với sự hưng thịnh của đất nước. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Không một quốc gia nào phát triển mà không bắt đầu từ giáo dục, đó là chân lý. Giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Điều này được khẳng định tại nghị quyết của tất cả các kỳ đại hội Đảng; đặc biệt là từ Đại hội VIII đã khẳng định: Giáo dục, đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Như đã nói, giáo dục - đào tạo là nâng cao dân trí, trang bị cho người dân kiến thức chuyên môn, khoa học kỹ thuật và bồi dưỡng nhân sinh quan, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và đạo đức cách mạng…
Giáo dục đã góp phần bảo vệ truyền thống, nền chính trị của đất nước. Giáo dục đã tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tuyên truyền truyền thống lịch sử của đất nước cho người học, rộng hơn là công dân Việt Nam. Họ được bồi đắp kiến thức cách mạng, góp phần bảo vệ nền tảng chính trị. Nói cách khác, bảo vệ Nhà nước, nền chính trị quốc gia chính là từ giáo dục.
Như Nghị quyết của Đảng và Bác Hồ đã nói, phải giáo dục cho mọi người, phải diệt giặc dốt để Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái. Muốn vậy, phải có giáo dục và phải đầu tư cho giáo dục. Quốc gia không phát triển chứng tỏ chưa quan tâm đến giáo dục. Không có giáo dục thì đất nước không phát triển. Các khát vọng, chỉ tiêu và những vấn đề về chiến lược sẽ không thể thực hiện nếu không có giáo dục. Suy cho cùng, tất cả đều từ giáo dục mà ra.
Tạo đà cho giáo dục cất cánh
- Vậy theo bà, để giáo dục - đào tạo của nước nhà ngày càng phát triển và cất cánh, đáp ứng mong mỏi của xã hội thì cần có những “bệ đỡ” như thế nào?
- Đảng và Nhà nước đã có đầy đủ chủ trương để tạo đà cho giáo dục phát triển. Theo đó, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nêu: Phấn đấu ngành Giáo dục - Đào tạo của Việt Nam phát triển theo hướng mở, toàn dân được đi học, tạo sự bình đẳng và môi trường tốt đẹp cho người dân đi học.
Như vậy, chủ trương đã có và rất tốt, vấn đề còn lại là triển khai như thế nào để tương xứng và đồng bộ. Theo tôi, cũng như những ngành, lĩnh vực khác, muốn giáo dục phát triển cần hội đủ các yếu tố như: Con người, tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật. Tuy nhiên, các yếu tố này chưa được đầu tư tương xứng nên đâu đó vẫn còn khó khăn và chưa đạt được kỳ vọng.
Để trả lời câu hỏi, giáo dục phát triển, cất cánh bằng cách nào? Chúng ta hãy bắt đầu từ những điều thiết thực, gần gũi và giản dị nhất. Trước mắt, là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo để họ yên tâm công tác. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã nêu: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được hiện thực hóa. Hiện, lương và thu nhập của giáo viên còn thấp, chưa bảo đảm cho cuộc sống. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc trong thời gian qua.
Vì thế, muốn giáo dục phát triển và cất cánh bay xa thì việc đầu tiên là chăm lo cho người thầy bằng các chế độ chính sách căn cơ. Tiếp đến, chúng ta đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục - đào tạo. Năm 2022, Bộ GD&ĐT chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN và tham gia Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về tái thiết giáo dục. Thông qua hoạt động này mới thấy, giáo dục Việt Nam phải thay đổi nhiều hơn nữa để bắt nhịp với thế giới luôn luôn vận động, phát triển không ngừng.
Thẳng thắn mà nói, trình độ, khoa học kỹ thuật của người Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới, kể cả nước được cho là cường quốc. Bằng chứng là, năm 2022, chúng ta có 7 đoàn với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Đáng chú ý, sau 19 năm (kể từ năm 2003), năm 2022, Việt Nam có một học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm. Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic Vật lý quốc tế có một học sinh mới học lớp 10 đoạt Huy chương Vàng. Đội tuyển dự Olympic Hóa học quốc tế có 4 học sinh dự thi cả 4 em đoạt Huy chương Vàng.
Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo dục mũi nhọn của Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia trên toàn thế giới. Chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tôi được biết kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu (theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ) cho thấy: Trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu.
Như vậy để thấy rằng, Việt Nam không thua kém các nước, thậm chí còn vượt trội so với nhiều nước trên thế giới. Nếu chúng ta đầu tư thỏa đáng, tôi tin giáo dục - đào tạo của nước nhà sẽ thực sự “cất cánh”, đáp ứng lòng mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân.
Xây dựng xã hội học tập
- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tư tưởng về giáo dục toàn dân. Theo bà, tư tưởng này được vận dụng như thế nào trong xây dựng xã hội học tập ngày nay?
- Từ những thập niên 30 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tư tưởng về giáo dục toàn dân, đó chính là xây dựng xã hội học tập ngày nay. Triết lý giáo dục của UNESCO là: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người. Để thực hiện triết lý này phải thông qua xây dựng xã hội học tập. Xã hội học tập phải được xây dựng trên nền tảng hệ thống giáo dục mở.
Nội hàm của xã hội học tập là, ai cũng được đi học, ai cũng được bình đẳng, được phát triển và ai cũng được tạo mọi cơ hội để học tập. Trong xã hội học tập phải có sự liên thông giữa các cấp học, đó là giáo dục bắt buộc và giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, phải có sự công nhận kết quả học tập giữa các bậc học, giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục bắt buộc. Từ trước đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ GD&ĐT đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập theo các tiêu chí nêu trên.
Thực chất, chúng ta đang triển khai tư tưởng của Bác Hồ, triết lý của UNESCO và các nghị quyết của Trung ương Đảng về xã hội học tập. Song, muốn xây dựng Việt Nam thực sự là xã hội học tập thì phải có các mô hình học tập. Các mô hình này được Chính phủ giao từ năm 2005 đến nay. Lúc đầu là gia đình hiếu học; từ năm 2014 đến nay chuyển sang mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Việc thực hiện xã hội học tập đã có những bước tiến rất xa. Chúng ta đã phổ cập giáo dục tiểu học, rồi đến phổ cập THCS, tiến tới phổ cập THPT.
Xây dựng xã hội học tập, đầu tiên là ở giai đoạn giáo dục bắt buộc, phát triển mở rộng sang giáo dục thường xuyên. Xã hội học tập muốn phát triển phải dựa trên nền giáo dục mở. Nói cách khác, xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở để người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi điều kiện bằng nhiều phương pháp khác nhau.
- Vậy theo bà, để xây dựng xã hội học tập cần những yếu tố gì?
- Muốn có xã hội học tập cần có 3 yếu tố: Đầu tiên phải có cam kết chính trị. Tức là, có sự cam kết của các cơ quan quyền lực cao nhất. Cam kết này được thể hiện bằng chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết. Xuống các địa phương, thì tỉnh ủy, UBND các địa phương phải có chỉ thị, cơ chế, chính sách để triển khai theo ngành dọc và giống như một vòng tròn khép kín. Tôi đánh giá và ghi nhận, chúng ta đã làm rất tốt yếu tố cam kết chính trị, từ Trung ương đến địa phương.
Tiếp đến, Nhà nước phải tạo môi trường để huy động nguồn lực, giúp xã hội học tập phát triển. Như Bác Hồ đã dạy: Lấy của dân, sức dân để phục vụ dân. Đó cũng chính là xã hội hóa giáo dục. Nhìn trên bình diện toàn xã hội, nguồn lực trong dân dành cho giáo dục rất nhiều. Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải biết huy động để xây dựng xã hội học tập hiệu quả và thực chất.
Cuối cùng, để xây dựng được xã hội học tập, cần sự tham gia của toàn thể nhân dân và hệ thống chính trị. Tất cả ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội… cùng vào cuộc thì mới tạo thành xã hội học tập, ở đó việc đầu tiên là người đứng đầu phải nêu gương thực hiện.
- Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Nguyễn Thị Doan!
“Giáo dục càng tốt thì đất nước càng phát triển bền vững. Nhiều quốc gia trước khi phát triển những con đường cao tốc, cơ sở hạ tầng... thì việc đầu tiên họ xây đắp con đường tri thức. Phát triển con đường tri thức để hướng tới tương lai, vươn tầm quốc tế. Và con đường tri thức này được bắt nguồn từ giáo dục và đào tạo”. - GS.TS Nguyễn Thị Doan
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/be-do-de-giao-duc-cat-canh-post623534.html