'Bệ đỡ' HTX giúp giảm nghèo ở một huyện vùng xa của Bạc Liêu
Huyện Hồng Dân là một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Bạc Liêu và là nơi tập trung đông bà con dân tộc Khmer. Ở đó, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, những HTX hoạt động hiệu quả và có tiềm năng (như HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình, HTX tôm lúa xanh Ninh Thạnh Lợi) được kỳ vọng là 'bệ đỡ' giúp cho người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.
Ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) có HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình là điểm sáng điển hình trong việc hướng đến sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ.
Hiệu quả từ sản xuất lúa hữu cơ
HTX này được thành lập từ cách đây 5 năm, ban đầu chỉ vài thành viên và chủ yếu là hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp cho nông dân. Đến nay HTX đã tạo được doanh thu với hơn 200 triệu đồng/tháng và ngày càng có những thành viên với trình độ đại học chuyên ngành nông nghiệp phục vụ cho HTX.
HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình là điểm sáng điển hình trong việc hướng đến sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơở huyện Hồng Dân.
HTX hiện có 195 thành viên, tham gia sản xuất theo mô hình 2 vụ tôm, 1 vụ lúa. Riêng vụ tôm càng xanh, bà con có thể nuôi kết hợp với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Cách nuôi này giúp thành viên có nguồn thu nhập và tận dụng hết nguồn thức ăn trong vuông nuôi. Có những thời điểm thương lái thu mua tôm càng xanh với giá tốt, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ.
Nếu trước đây, mục tiêu hoạt động của HTX Ba Đình đề ra chỉ dừng ở phạm vi cung cấp vật tư, con giống và làm dịch vụ cho các thành viên trong HTX, thì thời gian gần đây HTX đã có chiến lược mở rộng sản xuất - kinh doanh cho con tôm, cây lúa, được xác định là 2 mặt hàng chủ lực mang lại nhiều kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, HTX xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa lớn gắn với mô hình “lúa thơm, tôm sạch” theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu, đạt chuẩn OCOP và hướng các thành viên vào làm kinh tế nông nghiệp.
Ông Nông Văn Thạch, Giám đốc HTX Ba Đình, cho biết toàn bộ diện tích của các thành viên đều áp dụng mô hình sản xuất tôm – lúa. Trong đó, riêng sản xuất lúa áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
HTX hiện có diện tích canh tác 435 ha. Trong vụ lúa trên đất tôm, HTX gieo sạ giống ST24, ST25. Đây là giống lúa chất lượng cao, đang được thị trường ưa chuộng. Sản xuất theo quy trình an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, thành viên không phải lo đầu ra, vì đã được HTX bao tiêu.
Lúa sau khi thu hoạch được xay xát, đóng gói thành phẩm xuất bán tại thị trường Tp.HCM. Các thành viên ai cũng phấn khởi vì thu nhập tăng thêm khi giá lúa được thu mua cao hơn từ 15 – 20% so với canh tác thông thường.
Ngoài thu nhập từ sản xuất lúa, các thành viên của HTX còn có nguồn thu từ nuôi tôm sú, tôm càng xanh. Tất cả đều sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, mang lại hiệu quả cao.
Hỗ trợ bà con Khmer tham gia HTX
Nếu như trước phải vất vả tuyên truyền, vận động nông dân tham gia HTX thì hiện nay ngày càng có nhiều nông dân ở trong và ngoài xã xin tham gia làm thành viên của HTX Ba Đình.
Bởi vì khi tham gia HTX, các thành viên ngoài được cung cấp dịch vụ, vật tư chất lượng, giá bán thấp hơn thị trường, còn được đảm bảo về đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm và quan trọng hơn cả là có một tổ chức giúp cho các thành viên phát huy tối đa hiệu quả kinh tế mang lại từ con tôm, cây lúa vốn trở thành nguồn thu chính của nông dân.
HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình còn phối hợp với chính quyền địa phương tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội. Nhờ hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Lộc A.
Ngoài HTX nêu trên, phải kể thêm HTX tôm lúa xanh Ninh Thạnh Lợi ở xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân). HTX này do bà Thị Kim Trúc là người Khmer làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX. Tất cả 40 thành viên của HTX này là đồng bào dân tộc Khmer tại ấp Kos-Thum và ấp Ninh Thạnh Đông thuộc xã Ninh Thạnh Lợi.
Tuy chỉ hoạt động khoảng 1 năm nay như HTX này đang cho thấy những triển vọng và nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu, như cung cấp lúa giống, tôm giống, vật tư nông nghiệp…cho thành viên HTX nuôi trồng.
Sự quan tâm, hỗ trợ này đến từ việc luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên được tiếp cận các dịch vụ với chi phí và giá thành tốt nhất nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất, nâng cao mức sống. Qua đó giúp HTX Ninh Thạnh Lợi phát triển ổn định, bền vững, tiến tới trở thành một trong những HTX phát triển tốt của tỉnh Bạc Liêu và góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Định hướng sản xuất của HTX này trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất mô hình tôm – lúa theo hướng hữu cơ, sản phẩm đạt chất lượng cao, bền vững; hoạt động kinh doanh chủ yếu là kết nối cung cấp các dịch vụ đầu vào (giống, các loại vật tư phục vụ sản xuất) cung cấp cho các thành viên với giá ưu đãi và chất lượng tốt nhất.
Cùng với hai HTX nêu trên, tính đến nay huyện Hồng Dân có 37 HTX với trên 1.300 thành viên. Trong số 32 HTX nông nghiệp, có 2 HTX do người dân tộc thiểu số là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. Về tổ hợp tác, huyện có 147 tổ, với trên 6.600 thành viên, trong đó có gần 700 thành viên là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Khmer).
“Trao cần câu hơn trao con cá”
Ở huyện Hồng Dân, điều cần lưu tâm là HTX trong vùng có đông đồng bào Khmer có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít. Hoạt động của HTX chủ yếu mới làm được khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra - tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là do các HTX đang thiếu người đứng đầu năng động, có tư duy kinh tế thị trường và chịu khó để tìm kiếm bao tiêu sản phẩm.
Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, huyện Hồng Dân đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế của địa phương nhằm mang lại cho đồng bào Khmer chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo.
Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX bà con Khmer đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt là mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội, vượt lên. Sản phẩm của HTX làm ra muốn bán được thì phải kết nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Cho nên, để nâng cao tính hiệu quả thì còn nhiều việc phải làm để hỗ trợ bà con dân tộc Khmer trong huyện khi tham gia vào các HTX, có như vậy mới giúp cho họ giảm nghèo bền vững, nâng cao được đời sống.
Ngoài ra, với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống trong huyện Hồng Dân cũng đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế của địa phương mình nhằm mang lại cho đồng bào Khmer chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bởi khi được tiếp cận các chính sách, đồng bào dân tộc sẽ hăng say lao động sản xuất, chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.
Thời gian qua, huyện Hồng Dân sẽ có những hỗ trợ các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Tuy nhiên điều cần thiết đối với HTX là phải xây dựng được chuỗi cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với tiêu thụ thì chưa làm được. Bên cạnh đó, chưa có những mô hình HTX thật sự điển hình và mẫu để có thể nhân rộng và lan tỏa.
Song song đó, xác định giảm nghèo là chương trình trọng tâm lớn với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo, những năm qua công tác này được huyện Hồng Dân ưu tiên hàng đầu.
Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo từ cách đây 2 năm cho thấy huyện Hồng Dân có 2.710 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,75%) và 1.794 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 6,45%). Con số này là vấn đề khó khăn đối với địa phương như Hồng Dân với phần lớn sản xuất nông nghiệp, yếu tố rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất luôn tiềm ẩn, đời sống hộ nghèo bị ảnh hưởng.
Từ nhiều chính sách được thực hiện song song, năm 2022 toàn huyện giảm 937 hộ nghèo, đạt trên 187%. Số hộ nghèo còn lại đầu năm 2023 là 1.773 hộ (chiếm tỷ lệ 6,35%). Huyện cũng giảm được 382 hộ cận nghèo, số hộ cận nghèo hiện nay là 1.412 hộ (chiếm tỷ lệ 5,06%). Bằng sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Hồng Dân phấn đấu giảm 600 hộ nghèo và 300 hộ cận nghèo trong năm 2023.