Bé gái 3 tháng tuổi bị bạo hành: Hành vi vô cùng tàn ác
Theo luật sư, hành vi của đối tượng vô cùng tàn ác và nếu có đủ bằng chứng thể hiện bé gái 3 tháng tuổi bị bạo hành một cách man rợ thì nghi phạm có thể bị khởi tố điều tra về tội 'Giết người'.
Liên quan đến vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị bạo hành ở Đà Lạt phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ngày 22/5, CQCA tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trần Hoài Thương, SN 1990 để điều tra về hành vi giết người. Trần Hoài Thương cũng đã thừa nhận nhiều lần bạo hành cháu bé vì bé quấy khóc.
Trước đó, tối 20/5, bé Cháu N.N.T.C. (2 tháng 20 ngày tuổi), con gái của N.P.H.A (SN 2001) được đưa vào cấp cứu tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng trong tình trạng hôn mê, tổn thương não, đa chấn thương, gãy tay, xương đùi. Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt sau đó đã cùng Đại tá Trần Vĩnh Phú - Trưởng CA TP Đà Lạt, có mặt tại bệnh viện thăm bé gái và chỉ đạo làm rõ sự việc.
Vào cuộc điều tra, CQCA đã lấy lời khai của Trần Hoài Thương và mẹ cháu bé. Tại CQCA, Thương khai do cháu C. hay quấy khóc, nên anh ta bực tức, nhiều lần dùng tay đánh, tát mạnh vào mặt cháu. Ngày 14 - 15/4, Thương dùng tay tát một cái vào mặt cháu C.. Đến ngày 19/5, anh ta lấy núm vú giả đặt vào miệng cháu bé rồi dán băng keo quanh miệng để nạn nhân không khóc. Khi thấy cháu C. khó thở, Thương mở băng keo ra.
Đến 17h ngày 20/5, khi cháu C. không chịu uống sữa, Thương đã tát vào đầu, mặt làm cháu bị khó thở, ói sữa. Người đàn ông này còn dùng tay lắc mạnh đầu cháu C., sau đó đưa cháu đến BVĐK Lâm Đồng cấp cứu.
Vụ việc cháu C. bị người tình của mẹ ruột hành hạ nhiều lần dẫn đến nhiều chấn thương nghiêm trọng không thể nói người mẹ vô can. Dư luận tại TP Đà Lạt rất căm giận cho hành vi nhẫn tâm của 2 đối tượng này và đòi hỏi phải có biện pháp xử lý thích đáng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm trẻ em vì bất kỳ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em và người thực hiện hành vi sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật trong đó có chế tài hình sự.
Luận bàn về vụ việc bé gái 3 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng, luật sư Nguyên cho rằng, hành vi của đối tượng Trần Hoài Thương bước đầu đã có căn cứ xác định đối xử tàn ác với cháu bé 3 tháng tuổi trong nhiều ngày đã có dấu hiệu phạm tội “Hành hạ người khác”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140, BLHS năm 2015.
“Theo điểm a khoản 2 Điều 140, BLHS quy định về tội “Hành hạ người khác” thì Trần Hoài Thương đã hành hạ trong trường hợp đối với người dưới 16 tuổi… hoặc người khác không có khả năng tự vệ” - luật sư Nguyên viện dẫn.
Theo vị luật sư này, nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích xác định các vết thương của cháu nguy hiểm đến tính mạng là do tác động trực tiếp của các đối tượng sử dụng vũ lực gây nên thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “Giết người” được quy định tại Điều 123, BLHS năm 2015.
Bước đầu, các bác sĩ chẩn đoán bé bị gãy xương cẳng tay trái và tay phải; gãy xương đùi cả 2 chân, chấn thương sọ não… Bé bị hôn mê, phải tiếp máu, ban đầu thở qua nội khí quản, nhưng sau đó phải thở máy trong tình trạng nguy kịch.
“Đây rõ ràng là có dấu hiệu của hành vi vi phạm khoản 1 Điều 123, BLHS năm 2015 đã quy định. Đối tượng Thương thực hiện tội phạm một cách man rợ là có dấu hiệu vi phạm tội “Giết người”” - luật sư Nguyên cho biết.
Luật sư này cũng cho biết, hành vi của đối tượng Trần Hoài Thương là tàn ác, vô nhân tính, đang tâm sử dụng vũ lực đối một cháu bé mới chỉ mới 3 tháng tuổi với thể chất và tinh thần còn rất non nớt đã gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng phòng chống tội phạm bạo hành trẻ em đang diễn ra gây bức xúc. Nếu đối tượng Trần Hoài Thương có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của điều luật là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Đinh Thị Nguyên đánh giá, thời gian gần đây, tình trạng bạo hành trẻ em ngày một gia tăng về cả số lượng lẫn mức độ, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vụ án bạo hành trẻ em dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi tước đi tính mạng các cháu rất thương tâm. Nếu may mắn không bị tử vong, các cháu cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần sau này.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để phòng ngừa tình trạng bạo hành trẻ em, nhưng trên thực tế vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Xử lý nghiêm minh trước pháp luật các vụ án bạo hành trẻ em là một trong các biện pháp hữu hiệu không chỉ nhằm trừng trị các đối tượng phạm tội mà còn để răn đe, phòng chống tội phạm bạo lực trẻ em.