Bế mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực với tinh thần 'Đoàn kết - Dân chủ - Nghĩa tình - Đổi mới - Phát triển', Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã họp phiên bế mạc.
Tham dự và chúc mừng thành công đại hội có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.
Với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường dân chủ, thi đua xây dựng và phát triển TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, đại hội đã tiến hành thảo luận báo cáo tổng kết công tác MTTQ Việt Nam thành phố nhiệm kỳ 2019 - 2024; phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 – 2029; đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Trong phiên trọng thể, đại hội đã nghe phát biểu của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Tại phiên bế mạc, đại hội đã nghe phát biểu của đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM về định hướng phát triển thành phố.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Lê Nguyễn Hồng Quang, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, thông qua Văn kiện Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Thống nhất với đánh giá kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2019 – 2024 và 5 bài học kinh nghiệm; thống nhất phương hướng, mục tiêu chung và 5 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện trong nhiệm kỳ 2024 – 2029; thống nhất xây dựng và triển khai thực hiện 2 Đề án, 1 Công trình, 1 Chương trình trọng điểm; thống nhất 6 chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Đại hội giao Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khóa XII tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội, phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM để hoàn chỉnh và ban hành chính thức Văn kiện Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khóa XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 có số lượng tại Đại hội hiệp thương cử gồm 141 vị; Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X gồm 20 vị và 3 vị là đại biểu dự khuyết.
Đại hội giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khóa XII tổ chức xây dựng thành Chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm, hiệp thương với các tổ chức thành viên nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động của đại hội đề ra.
Phát biểu bế mạc đại hội, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khóa XII khẳng định, với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Nghĩa tình - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đại hội đã phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu để thảo luận, góp ý kiến, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được, những vấn đề cần quan tâm lưu ý, rút ra những kinh nghiệm. Đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 - 2029; hiệp thương cử Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khóa XII, cử đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Theo đồng chí Nguyễn Phước Lộc, đại hội đã hiến kế nhiều nét đổi mới, chuẩn bị các tham luận, tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi với đại biểu dự đại hội, làm sâu sắc hơn cơ chế phối hợp giữa UBND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
"Đoàn Chủ tịch đại hội đề nghị đại biểu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẩn trương xây dựng chương trình hành động, đưa Nghị quyết của đại hội vào cuộc sống. Đại hội kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng thực hiện 6 chương trình hành động của UBND thành phố, MTTQ Việt Nam thành phố. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội. Đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đồng chí Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh.
Tại phiên bế mạc, UBND TPHCM tặng Bằng khen 7 tập thể, 15 cá nhân tiêu biểu.
5 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện trong nhiệm kỳ 2024 – 2029
- Hàng năm, phấn đấu 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc thiết thực phục vụ cộng đồng.
- Hàng năm, phấn đấu trên 50% khu dân cư tổ chức lễ hội văn hóa hướng đến mục tiêu của dân, do dân, vì dân và các phần việc, công trình phát huy tình làng nghĩa xóm.
- Vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” phấn đấu đạt 650 tỷ đồng, góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.
- Vận động ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” phấn đấu đạt 200 tỷ đồng, góp phần cùng hệ thống chính trị chăm lo quân, dân ở các vùng biển, hải đảo, vùng biên giới và công tác hậu phương quân đội.
- Phối hợp xây dựng 50% trở lên khu dân cư được công nhận khu dân cư “Đoàn kết, nghĩa tình, tự quản”.
2 Đề án, 1 Công trình, 1 Chương trình trọng điểm nhiệm kỳ 2024-2029
- Đề án số 06-ĐA/TU ngày 20-8-2021 về “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam Thành phố và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030” (giai đoạn 2).
- Đề án “Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận trong tình hình mới”.
- Công trình “Vì Thành phố thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư”.
- Chương trình “Chung sức - Vì Thành phố nghĩa tình, bao dung, phát triển”.
6 chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 – 2029
- Chương trình 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
- Chương trình 2: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
- Chương trình 3: Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.
- Chương trình 4: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
- Chương trình 5: Xây dựng khu dân cư “Đoàn kết, nghĩa tình, tự quản”.
- Chương trình 6: Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.