Bế mạc hội nghị thượng đỉnh NATO

Ngày 11-7, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg đã tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Washington (Mỹ).

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Mỹ. Ảnh: Atlantic Council

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Mỹ. Ảnh: Atlantic Council

Ukraine nhận thêm nhiều viện trợ

Mặc dù chưa thể trở thành thành viên liên minh quân sự này nhưng Ukraine tiếp tục nhận được những cam kết của lãnh đạo NATO trong việc chuyển giao những khoản hỗ trợ quân sự tiếp theo trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các nước đồng minh đã quyết định tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ, củng cố sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn cầu. Phát biểu tại lễ bế mạc, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết với Ukraine và giữ cho NATO vững mạnh. Ông nhấn mạnh: "Đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm và sẽ tiếp tục làm".

Trước đó, ngày 10-7, các nước đồng minh đã nhất trí thành lập cơ chế Hỗ trợ an ninh và đào tạo của NATO cho Ukraine, nhằm phối hợp cung cấp thiết bị quân sự và đào tạo cho Ukraine. Họ cũng tuyên bố cam kết hỗ trợ an ninh dài hạn cho Ukraine với mức cơ sở tối thiểu là 40 tỷ EUR trong năm tới.

Tại Hội đồng NATO - Ukraine ở cấp nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh NATO tiếp tục ủng hộ Ukraine trên con đường "không thể đảo ngược" của nước này hướng tới tư cách thành viên NATO. Ông Stoltenberg hoan nghênh việc 20 thành viên NATO đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước đồng minh đã nhất trí thành lập Trung tâm Phân tích, đào tạo và giáo dục chung NATO - Ukraine tại Ba Lan. Theo ông Stoltenberg, sự hỗ trợ này sẽ khiến Ukraine mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn. "Trên thực tế, tất cả những gì chúng tôi đang làm bao gồm cả mệnh lệnh, cam kết, viện trợ quân sự nhiều hơn, nhiều thỏa thuận an ninh hơn và khả năng tương tác được cải thiện đã tạo nền tảng cho Ukraine. Các đồng minh đã đồng ý rằng khi Ukraine tiếp tục những cải cách cần thiết, chúng tôi sẽ hỗ trợ nước này trên con đường trở thành thành viên".

Cảnh báo Thế chiến thứ ba

Sau Hungary, một quốc gia thành viên NATO tiếp theo là Slovakia đã công khai phản đối đề xuất gia nhập khối của Kiev. Theo đài RT, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo việc Ukraine gia nhập NATO sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba và công khai bày tỏ sự phản đối ý tưởng này. Ông Fico đã đăng một video ngắn vào ngày 11-7, như một lời đáp lại dự thảo thông cáo chung cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh thường niên NATO được cho là có đề cập đến "con đường không thể đảo ngược" của Ukraine trong việc gia nhập khối quân sự do Mỹ lãnh đạo. "Tôi hiểu mong muốn của Ukraine. Nhưng tư cách thành viên NATO sẽ đảm bảo cho Thế chiến thứ ba", Thủ tướng Slovkia nói trong video. Ông nói thêm: "Mặc dù công bằng mà nói, chúng ta cũng không ở quá xa mục tiêu đó ngay cả khi Ukraine không là thành viên, nếu nhìn cách một số nền dân chủ tiên tiến đang đổ thêm dầu vào lửa như thế nào".

Hôm 10-7, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phát biểu với các phóng viên ở Washington rằng tư cách thành viên của Ukraine trong khối "rõ ràng là không thể chấp nhận được" vì nó sẽ "báo trước xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO".

Hãng thông tấn chính thức Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan ngày 11-7 bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO, một ngày sau khi các đồng minh NATO tại hội nghị thượng đỉnh của khối tuyên bố đã bắt đầu chuyển máy bay F-16 sang Ukraine, đồng thời thúc đẩy cam kết về việc kết nạp Ukraine làm thành viên liên minh.

AN BÌNH

NATO ký thỏa thuận chính thức đầu tiên với một quốc gia châu Á

Ngày 11-7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ), Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc và Ủy ban Hàng không NATO đã ký thỏa thuận về quy trình công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận đủ điều kiện bay quân sự. Đây là lần đầu tiên NATO ký với một quốc gia châu Á một thỏa thuận như vậy. Theo đó, NATO sẽ công nhận chứng nhận đủ điều kiện bay của chính phủ Hàn Quốc đối với các máy bay do Hàn Quốc sản xuất, dự kiến sẽ rút ngắn thời gian cần thiết để công nhận lẫn nhau với các thành viên NATO khác.

Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol xác nhận hai bên đã ký kết thỏa thuận về quy trình công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận đủ điều kiện bay quân sự như một phần của việc công bố khả năng tương tác giữa hai bên. Theo hãng tin Yonhap, ông Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng rằng quá trình công nhận lẫn nhau này sẽ giúp tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Hàn Quốc và các thành viên NATO. T.N

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/be-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-nato-post297978.html