Bế mạc Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 2
Sau một ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, chiều ngày 4/12, Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 2 đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, những nội dung đã thỏa thuận được và những thông tin từ hội nghị lần thứ 2 này sẽ giúp hợp tác tư pháp giữa Việt Nam – Campuchia phát triển ở tầm cao hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu hợp tác pháp luật về tư pháp pháp luật đường biên nói riêng và phát triển toàn diện nói chung.
Sau hội nghị, Bộ Tư pháp Việt Nam cam kết, sẽ có các chương trình, kế hoạch cụ thể, từ đó tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận đã ký kết. Bộ trưởng cũng đề nghị đại diện các tỉnh giáp biên của Việt Nam và Campuchia báo cáo lãnh đạo địa phương về những thỏa thuận đã đạt được, những thông tin tại hội nghị để lãnh đạo địa phương có chỉ đạo; cơ quan tư pháp tích cực tham mưu thực hiện. Bộ trưởng cũng chân thành cám ơn Campuchia đã chuẩn bị hội nghị chu đáo kỹ lưỡng, chuyên nghiệp để đi đến thành công tốt đẹp.
Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Campuchia Ăng-vong Vat-tha-na cũng đánh giá cao tiến trình hội nghị và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác để thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, tăng cường trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng giáp biên. Với những nỗ lực của hai nước trong thời gian qua, Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Campuchia Ăng-vong Vat-tha-na tin tưởng hợp tác tư pháp và pháp luật sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới.
Trước khi bế mạc hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp Campuchia và ông Nguyễn Hữu Huyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam đã ký Chương trình hợp tác 2020-2021 giữa hai Bộ Tư pháp.
Theo đó, hai bên thống nhất Chương trình hợp tác năm 2020-2021 giữa hai Bộ về các nội dung như trao đổi đoàn công tác; về đào tạo, bồi dưỡng, Trao đổi văn bản quy phạm pháp luật; Hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự; Hợp tác quốc tế đa phương...Trong đó, chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Tư pháp Cam-pu-chia sang Việt Nam tham dự Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia lần thứ ba, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021.
Trước đó, tại các phiên làm việc, hội nghị đã được nghe nhiều kiến nghị, đề xuất của đại biểu về công tác tư pháp các tỉnh biên giới.
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương Quốc Campuchia, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam Bạch Quốc An cho biết, khó khăn trong ủy thác tư pháp là không nhận được phản hồi kịp thời ảnh hưởng đến việc xét xử của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Nhằm năng cao công tác tương trợ tư pháp về dân sự và thực thi Hiệp định hiệu quả hơn, phía Việt Nam đề nghị Bộ Tư pháp Cam-pu-chia rà soát tình hình tiếp nhận, thực hiện các yêu cầu TTTP của Việt Nam và thông báo cho Bộ Tư pháp Việt Nam kết quả thực hiện, lý do không thực hiện được trong thời gian sớm nhất; Thông tin và gửi lại các hồ sơ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền Cam-pu-chia đã được gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam để thực hiện; Thông báo đơn vị đầu mối thực thi Hiệp định của Bộ Tư pháp Cam-pu-chia; Rà soát tiến độ thực hiện yêu cầu của mỗi nước thông qua đơn vị đầu mối (3 tháng/lần).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho người dân khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia trong việc giữ vững an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc đã nêu rõ những kết quả cũng như hạn chế của công tác PBGDPL các tỉnh biên giới. Ông Quốc đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao trình độ văn hóa của các tỉnh thuộc khu vực biên giới. Hai nước cần xem xét ký kết Chương trình hợp tác triển khai công tác PBGDPL cho công dân hai nước sinh sống tại khu vực đường biên. Đồng thời xây dựng cơ chế kế hoạch phối hợp cụ thể trong công tác PBGDPL giữa ngành tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho người dân biên giới bám sát đặc trưng, đối tượng, địa bàn, gắn giữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị với nhu cầu người dân. Định kỳ hàng năm tiến hành kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm…
Còn Cục trưởng Nguyễn Thị Minh giới thiệu cơ cấu tổ chức hệ thống Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Theo Hiệp định tương trợ Tư pháp Việt Nam – Campuchia ký năm 2013 quy định công dân mỗi bên được hưởng trợ giúp pháp lý như công dân của nước bên kia và căn cứ vào thu nhập, tài sản của người làm đơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận, công dân Campuchia cũng được hưởng những quyền lợi trợ giúp pháp lý như Việt Nam. Với số lượng trợ giúp viên pháp lý ở 10 tỉnh giáp biên là 87 người, có đội ngũ luật sư hùng hậu, theo bà Minh đây sẽ là lực lượng giải quyết các yêu cầu TGPL của người một cách hiệu quả. Chỉ ra những khó khăn, hạn chế, bà Minh đề nghị cơ quan TW hai nước và chính quyền các tỉnh đẩy mạnh truyền thông về TGPL bằng hai thứ tiếng; quan tâm hơn nữa đến công tác TGPL, có nhiều giải pháp sáng tạo hạn chế bỏ lọt đối tượng khi họ có nhu cầu; tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL để người dân tin tưởng hơn vào dịch vụ này. Đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác TGPL.
Giám đốc Sở Tư pháp Gia Lai Lê Thị Ngọc Lam thì xác định, thời gian tới Sở Tư pháp sẽ thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp nhịp nhàng, chỉ đạo Trung tâm TGPL thực hiện 100% yêu cầu TGPL; xây dựng Đề án TGPL nâng cao năng lực bộ máy TGPL trong tình hình mới; tăng cường vai trò các cơ quan phối hợp trong TGPL; chú trọng công tác tuyên truyền về TGPL trong mọi tầng lớp nhân dân bằng hình thức phù hợp…
Về phía Campuchia, các tham luận cũng đã nêu rõ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp đề xuất trong công tác TGPL và phổ biến pháp luật cho người dân vùng biên.