Đại biểu của dân nơi tuyến đầu gian khó - Bài 4: Niềm tin của dân (tiếp theo và hết)
Chứng kiến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, những người đại biểu do mình trực tiếp bầu ra sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, về tận nơi người dân đang hoạn nạn để cứu trợ, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cử tri, nhân dân càng thêm tin yêu những người 'đại biểu của dân', 'công bộc của dân', thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Từ đó, cử tri tin tưởng vào sự lựa chọn sáng suốt của mình trên mỗi lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Khi ý kiến của nhân dân được tôn trọng
Từ Quốc lộ 70, chúng tôi đi theo đường liên xã Cốc Lầu, men theo sông Chảy để đến thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Đây là thôn chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản trong đợt lũ quét, sạt lở đất do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây cũng là một trong những thôn được quan tâm xây dựng tái thiết khu tái dân cư mới khang trang. Các đơn vị thi công trên công trường đang tăng tốc để kịp hoàn thành vào ngày 31-12-2024.
Đã hơn hai tháng kể từ khi bão số 3 và hoàn lưu bão quét qua đây, nhưng nhiều điểm đất đá vẫn sạt trượt và đang tiếp tục được khắc phục. Một số đoạn ven sông Chảy bị sạt ta-luy đến sát mép đường, thậm chí đất dưới mặt đường bị lở hõm sâu vào trong như hàm ếch, có nguy cơ sập xuống sông bất cứ lúc nào. “Đường bây giờ đã đỡ nguy hiểm nhiều rồi. Thời gian mưa lũ, đường vào thôn đoạn thì bị đất đá, cây cối sạt từ đồi xuống chắn ngang, đoạn thì bị nước lũ chảy xiết qua. Thế mà lúc ấy cán bộ cấp trên vẫn trèo đèo, lội suối, đi bộ hàng chục ki-lô-mét vào đây động viên, chỉ đạo các lực lượng giúp đỡ bà con tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, mang hàng cứu trợ cho bà con. Vì thế, bà con rất cảm phục!”, đồng chí Đặng Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Kho Vàng nói với chúng tôi.
Đứng bên khung nhà thép đang dựng dở dang trên khoảnh ruộng sắn của gia đình ngay sát bên con sông Chảy, phía trước là lều bạt được dựng để cả gia đình ở tạm, ông Lý Văn Sý (sinh năm 1964, trú tại xã Cốc Lầu) cho hay: “Phần đất đồi phía sau nhà tôi bị sạt, ta-luy bị lở khoảng 3m. Tường và nền nhà bị nứt, gia đình thấy nguy hiểm nên không dám ở nữa, dù nhà mới xây năm ngoái. Tiền vay làm nhà năm ngoái mới trả được 2/3 thì nay lại phải vay tiếp để làm nhà này. Tôi chỉ mong Đảng, Nhà nước hỗ trợ thêm, chứ gia đình bây giờ khó khăn quá!”.
Ông Lý Văn Sý bày tỏ, gia đình ông rất cảm động khi Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa về tận nơi gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh của người dân. Theo ông Sý, khi thấy cán bộ gần gũi với nhân dân, lắng nghe nhân dân như vậy, người dân thêm tin tưởng.
Đứng bên cạnh ngôi nhà sàn mà mình bốc thăm được tại dự án xây dựng tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), bà Hoàng Thị Nóng (67 tuổi, ở thôn Làng Nủ) tấm tắc: “Nhà đẹp lắm! Nhà sàn làm bằng bê tông, chắc chắn mà vẫn đúng với kiểu nhà truyền thống của người Tày”.
Bà Hoàng Thị Nóng cho biết, khi nhà bà bị lũ cuốn mất, cả nhà đã bảo nhau là sẽ lên rừng để chặt cây về dựng cái lán tạm để trú ngụ. “Nhưng thật may là Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp rất quan tâm giúp đỡ chúng tôi. Vừa làm ngay nhà tạm cho chúng tôi ở, sau đó lại xây cả khu dân cư mới khang trang. Chúng tôi cảm động lắm”, bà Hoàng Thị Nóng cho biết.
Theo bà Nóng, trước khi triển khai làm một việc gì liên quan tới khu dân cư Làng Nủ, cán bộ đều họp dân để xin ý kiến. Khi tìm được khu vực đồi Sim, cán bộ tổ chức họp, hỏi ý kiến nhân dân Làng Nủ xem có đồng ý định cư ở địa điểm đó không. Khi có các bản vẽ thiết kế mẫu nhà, cán bộ họp xem dân chọn mẫu thiết kế nào. Rồi làm nhà sàn bằng bê tông, lợp tôn mát, chọn nguyên-vật liệu, chọn màu sơn..., cán bộ cũng tổ chức họp để dân biểu quyết. “Việc gì dân cũng được hỏi ý kiến nên chúng tôi thấy mình rất được tôn trọng”, bà Hoàng Thị Nóng nói.
Trao đổi về vấn đề này với chúng tôi, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh rằng: “Chúng ta làm nhà cho dân ở nên việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân. Chúng tôi cố gắng làm sao để nhân dân thấy thoải mái nhất khi dọn đến ngôi nhà mới”.
Sắp tới, khi lo cho dân có chỗ ở mới ổn định rồi, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục xin ý kiến nhân dân để nắm nguyện vọng của bà con về sinh kế sau này ra sao để có hướng hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Được biết, chính quyền địa phương đang dự định vận động người dân trồng cây chuối trên các khu ruộng đã bị lũ tàn phá, đồng thời đã ướm doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Thôn Làng Nủ sẽ tính toán đến việc phát triển dịch vụ du lịch để tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi nghề nghiệp. "Chính quyền, đơn vị thi công và người dân sẽ nỗ lực xây dựng, chăm sóc để Làng Nủ trở thành một khu dân cư đẹp. Từ mất mát và đau thương, thôn Làng Nủ sẽ trở thành một khu dân cư hạnh phúc", bà Trần Hoài Thu, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư thôn Làng Nủ cho hay.
Sáng suốt lựa chọn những đại biểu hết lòng vì dân
Chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình trong căn nhà tạm được dựng cách điểm sạt lở khoảng 1km, anh Hà Xuân Giang, trú tại thôn Làng Nủ vẫn chưa hết bàng hoàng về trận mưa lũ đột ngột ngày 10-9, đồng thời cảm thấy rất may mắn khi cả nhà vẫn còn sống sau trận lũ kinh hoàng ấy. Thời điểm ấy, vợ anh Giang và con gái nhỏ 3 tuổi đã bị lũ cuốn, nhưng rất may mắn lại trồi lên và được lực lượng cứu hộ cứu sống.
“Người dân Làng Nủ ai cũng cảm động trước tất cả những gì mà cán bộ các cấp, trong đó có những người là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cán bộ, chiến sĩ LLVT đã làm cho Làng Nủ. Nếu cán bộ mà chỉ nghĩ cho mình thì chắc chắn không dám vượt lũ quét, sạt lở đất để vào tận đây. Người dân chúng tôi thấy ấm lòng khi mình đã trực tiếp cầm lá phiếu bầu ra những người đại biểu của dân như vậy trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đây, chúng tôi càng thấy việc mình thực hiện quyền bầu cử là quan trọng như thế nào. Năm 2026, khi nước ta tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, chúng tôi sẽ động viên nhau tích cực thực hiện quyền của mình, sáng suốt lựa chọn những đại biểu hết lòng vì dân”, anh Hà Xuân Giang khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Hà Tĩnh cho rằng, đại biểu Quốc hội nên trực tiếp thực hiện các hoạt động của mình để làm tròn vai trò đại biểu trước nhân dân và cử tri cả nước. “Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đã khẳng định, phẩm chất quan trọng của đại biểu Quốc hội là tấm lòng vì dân. Đại biểu Quốc hội trong trái tim phải có người dân, phải đau đáu việc người dân sướng, khổ thế nào. Và đại biểu Quốc hội hoạt động trên tinh thần đem lại lợi ích cho người dân, lợi ích quốc gia”, Trung tướng Hà Thọ Bình trải lòng với chúng tôi.
Theo Trung tướng Hà Thọ Bình, hoạt động của đại biểu Quốc hội không chỉ ở trong nghị trường. Hoạt động của đại biểu Quốc hội bắt đầu từ việc đi tìm hiểu, nắm tình hình, hiểu tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống thực tế của nhân dân. Trên cơ sở đó chọn lọc các vấn đề nếu có thể giải quyết được thì giải quyết cho cử tri, nếu vấn đề lớn hơn thì trình ra nghị trường để Quốc hội cùng thảo luận, quyết định.
Những tấm gương của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở những nơi gian khó nhất, trong những thời khắc nguy nan nhất của bão lũ, thiên tai, đã làm tỏa sáng hình ảnh người đại biểu của dân. Họ thể hiện rõ tinh thần cống hiến, sẵn sàng gác việc riêng để lo việc của dân. Để kịp thời cứu dân, họ không sợ nguy hiểm đến tính mạng; để bảo vệ những lợi ích chính đáng, cấp thiết của dân, họ dám đề xuất chính sách và rất linh hoạt trong thực hiện, không sợ bị kỷ luật.
Niềm tin của người dân vào cán bộ, vào chính quyền được củng cố vững chắc sau những thử thách gian nan ấy!