Bệ phóng cho hàng Việt ra thị trường thế giới
Việt Nam có dư địa lớn trong phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Vì vậy, chủ động đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam có thể tăng lên 11 tỷ USD vào năm 2027. Ảnh minh họa
Xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng tốc
Số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nêu rõ, xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ USD năm 2022 và có thể tăng lên 11 tỷ USD vào năm 2027 nếu được hỗ trợ đúng cách. Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới.
Dự báo năm 2025, doanh thu thương mại điện tử B2C (giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng) của Việt Namsẽ đạt 39 tỷ USD, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 296.300 tỷ đồng vào năm 2027, theo báo cáo của Access Partnership. Như vậy, dư địa phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam hiện nay còn lớn.
Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử được xem là một trong những động lực trọng yếu thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Định hướng này được thể hiện trong Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xác định thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong ứng dụng công nghệ số nhằm hiện đại hóa hoạt động sản xuất, mô hình phân phối và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Thực tế, thời gian qua, giá trị xuất khẩu từ các doanh nghiệp Việt Nam qua các sàn giao dịch điện tử quốc tế ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với số lượng hàng hóa bán ra trên sàn thương mại điện tử Amazon tăng 300% trong vòng 5 năm; số lượng đăng ký Brand Registry (bảo vệ thương hiệu) tăng gấp 35 lần. Đến nay, có hơn 60% số lượng sản phẩm bán trên Amazon đến từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam.
Không chỉ Amazon, sàn Shopee cũng ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt khi hơn 350.000 nhà bán hàng trong nước đã xuất hiện trên nền tảng quốc tế, giới thiệu trên 15 triệu sản phẩm ra thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn Alibaba.com đang là “cửa ngõ” giúp hàng trăm doanh nghiệp Việt nhận đơn hàng đều đặn mỗi tháng.
Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 6/2025, số lượng nhà xuất khẩu mới từ Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, lượng sản phẩm được niêm yết bởi các thương nhân Việt tăng 54%.
Chắp cánh thương hiệu vươn ra thế giới
Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố hợp tác thông qua Chương trình "Thương hiệu Việt tăng trưởng toàn cầu". Chương trình sẽ cung cấp các khóa đào tạo toàn diện và chứng nhận xuất khẩu trực tuyến cho 1.000 doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời hỗ trợ 30 thương hiệu quốc gia tăng cường hiện diện quốc tế thông qua thương mại điện tử với Amazon. Thời gian triển khai trong 3 năm, từ 2025 đến 2027.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, hợp tác quan trọng này hướng tới mục tiêu chung trong việc tạo bệ phóng thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Việc chủ động đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, Bộ Công thương đang xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, với định hướng đưa sản phẩm "Made in Vietnam" vươn ra thị trường toàn cầu thông qua các kênh số. Trọng tâm của kế hoạch là nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các nhà sản xuất trong nước, giúp họ làm chủ công cụ thương mại điện tử để xúc tiến xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế.
“Việc Việt Nam tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới như một kênh xuất khẩu chính thức, tiết kiệm chi phí và hiệu quả cao” - bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhấn mạnh.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) chia sẻ, thương mại điện tử toàn cầu không đơn thuần là mở gian hàng, mà là cuộc chơi đòi hỏi tư duy từng bước làm chủ chuỗi giá trị số. Để thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành đòn bẩy tăng trưởng dài hạn, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong tư duy tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế, thay vì chỉ dựa vào nền tảng sẵn có.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay dừng lại ở việc đưa hàng lên sàn mà thiếu chiến lược bài bản về xây dựng cơ sở dữ liệu, vận hành, marketing và dịch vụ hậu mãi xuyên biên giới. Việc thiếu các công cụ đo lường và phân tích chuyên sâu khiến họ dễ bị động trong cạnh tranh.
"Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ xây dựng năng lực nội tại để tự điều phối, tối ưu và đo lường hiệu quả hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thay vì chỉ “tham gia” mà không “làm chủ”" - ông Bùi Huy Hoàng khuyến nghị.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện tại có nhiều đối tác vận hành thương mại điện tử quốc tế đã và đang làm việc với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số để trao đổi thí điểm các mô hình xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử, đồng thời từng bước mở rộng phạm vi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Sắp diễn ra Diễn đàn Ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số Việt Nam
Nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam đang được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tích cực triển khai thông qua nhiều chương trình hành động cụ thể, nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của thương mại điện tử.
Một trong những sự kiện nổi bật là Diễn đàn Ứng dụng thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam năm 2025, diễn ra từ ngày 4 – 6/9/2025 tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Triển lãm và Sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế Vietnam International Sourcing 2025.
Với sự phối hợp của hơn 60 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, diễn đàn dự kiến sẽ đón trên 300 đoàn doanh nghiệp quốc tế đến từ nhiều quốc gia. Các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhập khẩu hàng hóa và kết nối đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Diễn đàn không chỉ là nơi cập nhật công nghệ, để các doanh nghiệp đối thoại với chuyên gia, mà còn là diễn đàn quan trọng để các doanh nghiệp kết nối hợp tác kinh doanh, phát triển giải pháp cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài.