Bệ phóng thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số
Với vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ kết nối của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng Nai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi để tỉnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số, thu hút đầu tư vào khoa học, công nghệ.

Hệ thống giám sát, quản lý hiện đại bên trong khu điều hành Cảng Phước An (xã Phước An). Ảnh: H.Quân
Tỉnh Đồng Nai xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực…
Phát triển công nghiệp công nghệ số
Đồng Nai có nền công nghiệp mạnh. Trong đó, có 45 khu công nghiệp đang hoạt động, đa số tập trung ở các đô thị đã sẵn sàng đưa công nghệ vào sản xuất và kinh doanh bền vững. Nguồn lao động trẻ dồi dào là nền tảng để đào tạo nhân lực công nghệ số, phục vụ đổi mới sáng tạo trong kinh tế. Tài nguyên, điều kiện tự nhiên thuận lợi để ứng dụng công nghệ xanh vào nông nghiệp và năng lượng tái tạo.
Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - VIDE (Hội Truyền thông số Việt Nam) nhận định, Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ lâu đã được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, với số lượng lớn lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động là một yêu cầu bắt buộc. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp tại Đồng Nai có nhiều điều kiện để áp dụng các giải pháp hệ thống sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…
Hiện nay Đồng Nai đang nghiên cứu xây dựng Đề án Khu thương mại tự do tại tỉnh Đồng Nai gắn với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Phước An với quy mô khoảng 8,2 ngàn hécta. Khu thương mại tự do Đồng Nai dự kiến thành lập với 4 phân khu chức năng, gồm: Khu chức năng sản xuất công nghiệp công nghệ cao; Khu chức năng logistics; Khu chức năng dịch vụ tài chính, thương mại; Khu chức năng đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu của Đồng Nai là đến năm 2030, phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững trên địa bàn tỉnh với hạt nhân là Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành (hay còn gọi là Khu công nghiệp công nghệ số Long Thành); hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số của tỉnh với các công nghệ chiến lược gồm: bán dẫn, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), chuỗi khối (blockchain)…
Theo Sở Khoa học và công nghệ, dự án Khu công nghệ thông tin tập trung (Khu công nghiệp công nghệ số) nhằm tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, tạo sự liên kết trong chuỗi công nghệ và sản xuất các sản phẩm công nghệ số trên địa bàn tỉnh. Dự kiến dự án này có diện tích khoảng 119 hécta nằm ở các xã: Bình An và An Phước.
Trưởng ban Phát triển đối tác Data Center & Cloud, Chi hội Truyền thông số phía Nam (SVDCA) Phạm Nguyễn Xuân Quỳnh nhận định, việc phát triển Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung là cần thiết để Đồng Nai tận dụng các lợi thế, tiềm năng phát triển về công nghiệp công nghệ số trong tương lai, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Điều này sẽ góp phần mở rộng tiềm năng thu hút đầu tư cho Khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút khách hàng sử dụng các dịch vụ, công nghệ, cũng như phát triển công nghiệp công nghệ số ở địa phương.
Phát triển hạ tầng số, đô thị thông minh
Để bắt nhịp xu hướng phát triển công nghệ số, công nghệ hiện đại, tỉnh Đồng Nai đang có nhiều nỗ lực xây dựng, phát triển hạ tầng số từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh có khoảng 5,6 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G/4G/5G, phủ sóng đến 100% khu dân cư, thôn, ấp, khu phố của các xã, phường góp phần đảm bảo thông tin liên lạc cho các cấp chính quyền địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu người dân.
Sự góp mặt của mạng 5G sẽ là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp và địa phương. Các khu công nghiệp nói riêng và hoạt động sản xuất, tiêu dùng nói chung vì các yêu cầu về số lượng kết nối cực lớn, tốc độ cao, dung lượng truyền tải lớn, đặc biệt với các nhóm ngành điện, điện tử, tự động hóa, công nghiệp thế hệ mới…
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển chuyển đổi số toàn diện đã giúp từng ngành, lĩnh vực, người dân, doanh nghiệp ngày càng được tiếp cận thông tin nhanh hơn, với các tiện ích số người dân được chăm sóc tốt hơn, chất lượng đời sống ngày càng nâng cao.
Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Võ Hoàng Khai nhấn mạnh, hạ tầng viễn thông làm nền tảng cho việc truyền thông tin, dữ liệu và dịch vụ số, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của xã hội hiện đại.
Giám đốc cấp cao Quản lý dự án Amata City Long Thành Hồ Đặng Duy Phúc cho biết, Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành là một trong những khu công nghiệp đầu tiên của khu vực phía Nam phủ sóng 5G. Amata hoàn toàn tin tưởng về việc gia tăng lợi thế cạnh tranh, tạo nên sức hút với những nhà đầu tư đa quốc gia đến với khu công nghiệp nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung. Qua đó, chứng tỏ sự nỗ lực bắt kịp xu hướng của các nước phát triển về công nghệ.
Trong bối cảnh hiện nay, đô thị hóa mạnh mẽ tại Đồng Nai đã mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức lớn về việc quy hoạch và quản lý đô thị một cách hiệu quả.

Trạm phát sóng 5G được triển khai tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Đồng Nai có thể tận dụng cơ sở hạ tầng phát triển sẵn có, cùng với lực lượng lao động dồi dào để trở thành một trong những địa phương tiên phong trong quá trình chuyển đổi số gắn liền với chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ như hiện nay là một trong những giải pháp giúp Đồng Nai sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỉnh có nhiều nền tảng, tiền đề để phát triển mô hình đô thị, thành phố thông minh. Trong đó, Đồng Xoài từng vinh dự được trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2022, tỉnh Bình Phước (cũ) được Hiệp hội Công nghiệp máy tính châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) lựa chọn vinh danh Giải thưởng Chính quyền số ASOCIO DX Award 2024. Ngoài ra, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của địa phương ngày càng được cải thiện, nâng cao…
Tiến sĩ Trần Quý chia sẻ thêm, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các đô thị thông minh, giúp cải thiện hiệu quả quản lý tài nguyên và thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, về xã hội, các dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng di động giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ, cải thiện chất lượng sống và tăng cường sự tương tác giữa người dân và chính quyền.