Giám đốc Sở đề nghị hỗ trợ người dân Hà Nội chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đề xuất cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi từ xe máy cũ sang xe điện trong quá trình tiến tới hạn chế xe xăng, phát triển giao thông xanh của thành phố, nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm không khí.
Tại cuộc họp về dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030", ông Nguyễn Xuân Đại chia sẻ thực tế, theo số liệu của Bộ Xây dựng, Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy nhưng con số thực tế có thể cao hơn, lên tới 8 triệu xe máy, chưa kể xe của người dân các vùng lân cận vào Hà Nội làm ăn buôn bán hàng ngày.
Ông Đại cho rằng, đây không chỉ là phương tiện đi lại của người dân mà còn là phương tiện làm ăn, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ khi khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe máy chạy xăng cũ sang xe điện.

Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM, địa phương có lượng xe máy, xe ô tô lớn nhất cả nước.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ ngành về Kế hoạch Quốc gia hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030.
Trong đó đặt mục tiêu 100% phương tiện tham gia giao thông (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại khu vực Hà Nội và TP HCM được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường
Để thực hiện mục tiêu này, dự thảo Kế hoạch đề xuất giao UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM thực hiện nhiệm vụ quản lý phát thải từ hoạt động giao thông, tăng cường hệ thống giao thông công cộng và chuyển đổi giao thông xanh, thân thiện môi trường.
Trong đó, hai thành phố sẽ thí điểm chính sách ưu đãi, xã hội hóa trong chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ sang xe điện cũng như áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ miễn giảm phí cho học sinh, sinh viên sử dụng giao thông công cộng đồng thời phát triển hệ thống dịch vụ xe đạp công cộng.
Hai thành phố cũng sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách thí điểm cụ thể về hỗ trợ tài chính/phi tài chính cho người dân chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện, có chính sách ưu đãi phí giao thông công cộng cho học sinh, sinh viên được áp dụng rộng rãi. Việc thí điểm sẽ được thực hiện từ năm 2026 đến 2028, sau đó mở rộng từ năm 2028.
Hà Nội cũng được giao thí điểm chính sách giới hạn số lượng xe máy đăng ký lưu hành mới, tiến tới ngừng cấp đăng ký xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, thực hiện đề án thí điểm chính sách giới hạn đăng ký xe máy mới tại một số quận trung tâm được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau đó, xây dựng lộ trình cụ thể cho việc giới hạn và tiến tới ngừng cấp đăng ký xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có tính đến các giải pháp thay thế. Việc thực hiện thí điểm từ năm 2027, sau đó xây dựng lộ trình cụ thể.

Hà Nội và TPHCM được giao mục tiêu xây dựng chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Trong 5 ngày chỉ có 1 ngày người Hà Nội chỉ được hít thở không khí trong lành
Theo ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, vào các tháng cuối năm (sau tháng 10 trở đi), số ngày mà nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia vẫn còn rất phổ biến, chiếm khoảng 35% tổng số ngày trong “kỳ ô nhiễm”, riêng tại Hà Nội có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức xấu.
Số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm. Riêng với thành phố Hà Nội, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào khoảng 47 µg/m³, vượt gần 2 lần quy chuẩn Việt Nam.
“Chúng tôi ghi nhận từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2024, Hà Nội đã xảy ra bốn đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Cá biệt có những ngày, chỉ số VN_AQI lên tới 246, tương ứng với mức "rất xấu", có nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và cộng đồng”, ông Thức nói.
Về nguyên nhân, ông Thức cho biết, nguyên nhân cơ bản đến từ hoạt động giao thông vận tải gồm cả bụi đường do phương tiện tham gia giao thông cuốn lên và khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố.
Theo số liệu kiểm kê phát thải PM2.5 tại khu vực Hà Nội, nguồn ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông vận tải đường bộ chiếm khoảng 15% và từ bụi đường khoảng 23%.
Nguyên nhân thứ hai là từ hoạt động xây dựng bao gồm các hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh, công trình công cộng, công trình giao thông (cải tạo mặt đường, vỉa hè) nhưng chưa nghiêm túc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, quản lý theo quy định (che chắn, phun sương, rửa xe, vệ sinh…) gây nên tình trạng phát sinh bụi, phần này đóng góp khoảng 17%.
Nguyên nhân thứ ba, theo đại diện Cục Môi trường là từ hoạt động sản xuất công nghiệp, bao gồm khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và quá trình sản xuất, các cơ sở bao gồm cơ sở nhỏ lẻ, khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Số liệu tính toán cho thấy phần này đóng góp khoảng 29%.
Ngoài ra các hoạt động đốt mở như đốt chất thải, rác thải và phụ phẩm nông nghiệp, sử dụng bếp than trong sinh hoạt, kinh doanh, đốt vàng mã cũng là một nguồn đóng góp cho ô nhiễm không khí cho ô nhiễm không khí, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường.
Ông Thức cho biết thêm, Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030 đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến các bộ ngành để chuẩn bị trình Chính phủ. Kế hoạch được xây dựng trên tinh thần 6 rõ của Chính phủ gồm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”
Kế hoạch đặt mục tiêu tổng thể là tăng cường quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trên phạm vi toàn quốc, từng bước khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn, nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Mục tiêu cụ thể hướng đến cải thiện chỉ tiêu về chất lượng môi trường không khí, nhất là tại Thủ đô Hà Nội (cùng các vùng lân cận như Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng và Ninh Bình) và TPHCM.
Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu kiểm soát các nguyên nhân của ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường gắn với xây dựng đô thị văn minh, bao gồm thực hiện “xanh hóa” công trình xây dựng.
Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 1.000 công trình xây dựng xanh, thí điểm trang bị thiết bị lọc không khí tích hợp và hệ thống thông gió để đánh giá hiệu quả nhằm phổ biến, nhân rộng.