Bé sơ sinh 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết, nguy hiểm thế nào?

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận một bé gái sơ sinh, 7 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết, cân nặng lúc sinh 2.500gram và không có bất thường sau sinh.

Theo lời kể gia đình, một ngày trước khi vào viện, bé xuất hiện sốt, sốt cao nhất 38 độ C, bú kém hơn nhưng vẫn bú được. Bé không ho, không chảy mũi, không đi ngoài phân lỏng, tiểu vàng. Bố mẹ và anh chị bệnh nhi không có ai sốt trong thời gian gần đây.

Qua quá trình thăm khám và theo dõi điều trị tại Khoa Nhi, ghi nhận bé bú được, phổi thông khí tốt, tim đều, thóp phẳng, không có ban trên da. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy tình trạng giảm bạch cầu, bạch cầu trung tính chiếm 40%, giảm tiểu cầu. Bên cạnh đó, bệnh nhi có tình trạng rối loạn đông máu .

Các bác sĩ tiếp tục tiến hành tìm các ổ nhiễm trùng thường gặp theo lứa tuổi của bệnh nhi gồm: xét nghiệm nước tiểu, X-quang ngực và nội soi tai mũi họng nhưng chưa ghi nhận bất thường.

Đến ngày thứ 3 của bệnh, bé còn sốt 38 độ C. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, kết quả test nhanh Dengue NS1, IgM dương tính. Mẹ bệnh nhi có kết quả test nhanh Dengue IgM âm tính, IgG dương tính.

Sau 11 ngày điều trị sốt xuất huyết, bệnh nhi được cho ra viện trong vòng tay yêu thương của mẹ và các y bác sĩ.

Sau 11 ngày điều trị sốt xuất huyết, bệnh nhi được cho ra viện trong vòng tay yêu thương của mẹ và các y bác sĩ.

Ngày thứ 5 của bệnh, trên da bệnh nhi có vài chấm xuất huyết vùng cẳng chân 2 bên, tiểu cầu 11 G/L, siêu âm có dịch ổ bụng (10mm), dịch màng phổi hai bên (bên phải 12 mm, bên trái 9mm).

Về mặt điều trị, theo các bác sĩ, bệnh nhi được truyền dịch, tiêm vitamin K, dùng kháng sinh dự phòng, theo dõi sát cân bằng dịch. Sau 6 ngày, bệnh nhi đã cắt sốt, không xuất hiện các triệu chứng xuất huyết nặng trên lâm sàng. Sau 11 ngày, số lượng tiểu cầu tăng lên 100 G/l, rối loạn đông máu trở về giá trị bình thường, hết tràn dịch ổ bụng và tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi được cho ra viện.

Theo bác sĩ Trần Duy Mạnh, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhi, sốt xuất huyết là một bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới, tuy nhiên, sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh rất ít gặp. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết ở bệnh nhi không điển hình, có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, theo dõi và điều trị không hợp lý có thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Được biết, theo y văn, tỷ lệ sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường rất thấp. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp và ít phổ biến trên toàn thế giới, thế nhưng trong những năm gần đây, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cũng bắt đầu xuất hiện với tỷ lệ tăng dần.

Sốt xuất huyết lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn

Sốt xuất huyết lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn

Số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết chiếm khoảng 5 – 6% trong tổng số bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết. Các chuyên gia y tế cũng nhận định, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh được đánh giá là bệnh đặc biệt nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong là rất cao.

Hiện tại, đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số trẻ sốt xuất huyết Dengue đến khám hằng ngày ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có xu hướng tăng. Do đó, để bảo vệ bản thân và gia đình, các bác sĩ khuyến cáo người dân hãy tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể:

- Đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước,…

- Loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa….

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi vằn lây truyền và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, các phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh cho con. Cần cho bé mặc quần áo dài tay, chơi chỗ sáng, bôi kem chống muỗi, ngủ mùng bất kể ngày hay đêm. Khi gặp trẻ sơ sinh bị sốt trong một vụ dịch sốt xuất huyết, cơ sở y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.

K.M

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/be-so-sinh-7-ngay-tuoi-da-mac-sot-xuat-huyet-nguy-hiem-the-nao-169230826084756945.htm