Bế tắc chính trị, đảng cực hữu Áo đứng lên thành lập chính phủ
Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã giao nhiệm vụ cho ông Herbert Kickl, lãnh đạo Đảng Tự do (FPO) cực hữu, thành lập chính phủ liên minh sau khi nỗ lực thành lập liên minh của phe trung hữu bất ngờ thất bại vào cuối tuần qua.
Đây là bước ngoặt đáng chú ý của ông Van der Bellen, một cựu lãnh đạo Đảng Xanh cánh tả, người đã từng chỉ trích mạnh mẽ FPO và xung đột với Kickl. Tuy nhiên, sau khi phe trung hữu không thể thành lập liên minh, Tổng thống không còn nhiều lựa chọn khác.
Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 9/2024, FPO – một đảng nổi tiếng với quan điểm hoài nghi châu Âu và thân Nga – giành chiến thắng với 29% số phiếu. Giờ đây, FPO sẽ đàm phán với đối tác duy nhất khả thi là Đảng Nhân dân (OVP) bảo thủ, để thành lập chính phủ đầu tiên kể từ khi đảng này được thành lập vào những năm 1950.
"Tôi đã giao cho ông ấy nhiệm vụ khởi động các cuộc đàm phán với Đảng Nhân dân để thành lập chính phủ", ông Van der Bellen phát biểu trên sóng truyền hình sau cuộc gặp với Kickl. Ông nhấn mạnh: "Tôi đưa ra quyết định này không hề dễ dàng".
Khi ông Kickl rời khỏi cuộc họp, hàng trăm người biểu tình, bao gồm sinh viên Do Thái và các nhà hoạt động cánh tả, đã la ó, huýt sáo, hô vang "Đuổi phát xít ra khỏi nước Áo" và giương các biểu ngữ như "Chúng tôi không muốn Áo cực hữu".
Tổng thống Van der Bellen từng khiến FPO tức giận khi không giao cho họ quyền thành lập chính phủ ngay sau cuộc bầu cử do không có đối tác liên minh tiềm năng nào đồng ý hợp tác. Thay vào đó, nhiệm vụ được trao cho lãnh đạo Đảng Nhân dân và Thủ tướng Karl Nehammer, đảng đứng thứ hai trong cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, nỗ lực của ông Nehammer nhằm thành lập liên minh ba bên, sau đó là hai bên, với các đảng trung dung khác đã thất bại vào cuối tuần qua, buộc ông phải tuyên bố từ chức.
Dưới sự lãnh đạo tạm thời của Christian Stocker, Đảng Nhân dân (OVP) đã thay đổi lập trường. Trước đó, Nehammer từng khẳng định sẽ không hợp tác với Kickl, gọi ông này là "kẻ tin vào thuyết âm mưu" và là "mối đe dọa an ninh". Nhưng với việc Nehammer rút lui, quan điểm cứng rắn này cũng bị gỡ bỏ.
"Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu. Nếu được mời tham gia đàm phán, kết quả vẫn còn bỏ ngỏ", ông Wilfried Haslauer, Thống đốc bang Salzburg và một nhân vật quan trọng của OVP, phát biểu trên kênh ORF.
Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Áo có thể phải tổ chức bầu cử sớm. Theo các cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ FPO đã tăng kể từ tháng 9.
OVP và FPO có quan điểm chung về một số vấn đề, đặc biệt là lập trường cứng rắn với nhập cư. Tuy nhiên, hai bên bất đồng sâu sắc về cách giảm thâm hụt ngân sách – dự kiến vượt mức 3% GDP do Liên minh châu Âu quy định trong năm 2024 và 2025.
FPO cam kết cắt giảm quyền lợi của các nhóm lợi ích gắn bó chặt chẽ với OVP, như Phòng Thương mại Áo. Ngoài ra, họ phản đối viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga và phản đối kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Một số báo quốc tế như The Guardian và Deutsche Welle cũng nhận định rằng nhiệm kỳ mới của FPO có thể khiến chính trị Áo trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Nga vẫn đầy biến động.