Bé trai 12 tuổi bị đánh dã man phải khâu 7 mũi, xử lý kẻ ra tay tàn nhẫn như thế nào?
Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc khẩn trương, hỗ trợ toàn diện cho bé trai 12 tuổi bị đánh dã man.
Cháu bé bị đạp nhiều lần vào người, phải khâu 7 mũi
Sự việc xảy ra vào khoảng 17h ngày 18/8 trước sảnh chung cư New Horizon, 87 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hình ảnh từ camera cho thấy người đàn ông quật ngã cháu bé, sau đó đạp nhiều lần một cách dã man vào đầu và người cháu nhỏ trước sự chứng kiến của nhiều người dân.
Những người chứng kiến sự việc cho biết nguyên nhân bắt đầu từ việc các cháu nhỏ đi đá bóng xảy ra xích mích rồi dẫn đến xô xát. Một lúc sau, người đàn ông xuất hiện đánh đập cháu M. (12 tuổi) tàn nhẫn.
Cháu M. được bạn đưa về nhà trong tình trạng bị nhiều vết thương phần mềm ở cổ, tay, vai và rách trên đầu, chảy nhiều máu, tinh thần hoảng loạn, sợ hãi. Gia đình đã ngay lập tức đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện và làm đơn trình báo đến Công an phường Mai Động. Tại bệnh viện, cháu M. đã phải khâu tới 7 mũi.
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng và sự bức xúc của dư luận về vụ việc, lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai đã nhanh chóng chỉ đạo Đội điều tra tổng hợp vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát và Công an phường Mai Động để tiến hành các bước điều tra cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Công an quận Hoàng Mai cho biết, sự việc trở nên phức tạp hơn khi cha của cháu bé bị đánh đã có hành vi bạo lực, dùng chân tay đánh vào mặt cháu M. gây thương tích. Sau đó, người này đã rời khỏi hiện trường. Cơ quan công an đã xác định được danh tính của người đàn ông và gửi giấy triệu tập, nhưng người này hiện không có mặt tại nơi cư trú.
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về vụ việc bé trai 12 tuổi bị bạo hành dã man, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi tàn ác của người đàn ông này.
Ông Bốn nhấn mạnh đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng và rất mong các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an các cấp vào cuộc khẩn trương, điều tra làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh đối tượng gây án.
“Các cơ quan, tổ chức xã hội liên quan đến bảo vệ trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải có các biện pháp hỗ trợ cháu bé và gia đình, xử lý kiên quyết hành vi trái pháp luật, phải tiến hành chăm sóc nạn nhân và giám định mức độ thương tật”, ông Bốn nói.
Bên cạnh đó, ông Hà Đình Bốn cũng đề nghị các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ nạn nhân và gia đình, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vụ việc và đưa ra các biện pháp phòng ngừa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em.
“Các cơ quan, tổ chức cần sớm có biện pháp thăm hỏi, động viên, hỗ trợ pháp lý để giúp gia đình vượt qua cú sốc và có đủ điều kiện chăm sóc cho bé trai bị hành hung. Nhân viên công tác xã hội tại các bệnh viện, cơ quan cần cung cấp các dịch vụ y tế, tâm lý để giúp bé hồi phục sức khỏe và ổn định tinh thần. Đồng thời, nhà trường cần có trách nhiệm chăm lo cho cháu bé trong thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới”, ông Bốn nói.
Hình phạt nào cho kẻ tấn công bé trai 12 tuổi?
Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Ths. Luật sư Ngô Thế Hiệp - Giám đốc điều hành JWLEGAL, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ việc, hành vi của cá nhân thực hiện xâm phạm vào thân thể, tổn hại tới sức khỏe của công dân (là trẻ em) sẽ được Cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, tùy thuộc vào mức độ xâm phạm, mức độ tổn hại, tỷ lệ, mức độ thương tích gắn với hành vi vi phạm sẽ có chế tài pháp luật phù hợp, cụ thể:
Thứ nhất, trường hợp kết luận giám định thương tật của trẻ bị xâm phạm thì hành vi trên đủ cấu thành tội phạm thì có thể bị khởi tố hình sự đối với một trong các tội liên quan đến sức khỏe như Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Với hành vi này, trong trường hợp liên quan đến tội cố ý gây thương tích thì mức hình phạt căn cứ vào mức độ của hành vi có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nhưng cao nhất có thể lên đến chung thân khi có hậu quả, mức độ tổn hại lớn.
Thứ hai, hành vi trên trong trường hợp không vi phạm pháp luật hình sự, theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính liên quan đến việc đã thực hiện hành vi xâm phạm, thân thể, gây tổn hành về sức khỏe đối với trẻ em. Trường hợp bị xử phạt hành chính thì mức phạt đối với hành vi gây ra cho trẻ em theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em mức phạt cao nhất lên đến 20.000.000 đồng, cụ thể hành vi “Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em”. Về biện pháp khắc phục hậu quả còn có thể là: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Luật sư Ngô Thế Hiệp chia sẻ kinh nghiệm, trong lúc này, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho cháu bé, gia đình cần trò chuyện, giúp con bình tĩnh trở lại, tránh gây tổn thương tâm lý sau này. Gia đình cần thường xuyên chú ý đến tâm trạng, cảm xúc hay biểu cảm của con, nếu có những gì bất thường nên cân nhắc đến gặp các bác sĩ tâm lý để được tư vấn và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Theo Luật sư Ngô Thế Hiệp, trong trường hợp phát hiện con bị bạo lực, cha mẹ có thể thông báo trực tiếp hoặc qua điện thoại cho UBND cấp Xã, phường, thị trấn; Công an cấp Xã, phường, thị trấn; Đường dây của Trung tâm Quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc các cấp Cơ quan Lao động – Thương binh xã hội các cấp.
Khi phát hiện hoặc có thông tin về trẻ bị bạo lực, xâm hại, trong thời gian nhanh nhất tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) cho 4 đầu mối gồm: UBND, Công an cấp xã; đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em (111, 113, 1900.54.55.59, 1800.90.69) và Cơ quan lao động - Thương binh và xã hội các cấp.