Bé trai 3 tuổi bị chó lai nặng 40kg cắn trọng thương
Đến nhà người quen chơi, bé trai 3 tuổi bị chó lai nặng 40 kg cắn, khiến đứt ống tuyến lệ, gãy đôi xương hàm, xương gò má.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện do vết thương chó cắn.
Gia đình bệnh nhi chia sẻ đây là chú chó nhà người quen thuộc giống chó lai becgie nặng 40kg. Vết cắn lớn làm tổn thương nặng vùng đầu mặt cổ, có nguy cơ đe dọa tính mạng cháu bé.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiên lượng và nhận định đây là trường hợp đa vết thương phần mềm phức tạp ở vùng quan trọng.
“Khi tiến hành thăm khám các bác sĩ nhận thấy vết thương tương đối nham nhở có sự bóc tách rộng có nguy cơ gây nhiễm trùng, xé toác da, vết thương đi vào vùng trán và góc mắt trong, gây đứt ống tuyến lệ, rách mi mắt, gãy đôi xương hàm, xương gò má.
Vết thương vùng cổ bệnh nhi ngay sát đường đi của động mạch cảnh, nếu chú chó cắn chỉ thấp hơn 1-2cm sẽ xuyên thẳng động mạch cảnh đe dọa tính mạng ngay lập tức”, bác sĩ Hồng Hà thông tin.
Sau hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ đã cắt lọc, làm sạch tổn thương, sử dụng kính hiển vi để tìm ống tuyến lệ nhỏ khoảng 0,5 mm để khâu nối lại. Việc giúp trẻ ngăn biến chứng chảy nước mắt liên tục sau này nếu không xử trí đứt ống tuyến lệ.
Toàn xương gò má, xương góc hàm của bệnh nhi bị gãy ra nhiều mảnh, các bác sĩ phải sắp xếp rồi chỉnh lại bằng nẹp vít sao cho đảm bảo được chức năng ăn nhai sau này.
Ca mổ kết thúc sau 6 tiếng đồng hồ. Sau một tuần, tiên lượng bệnh nhi tiến triển tốt, thuận lợi.
"Hiện, mi mắt của bệnh nhi chưa mở ra được, nếu sau khỏi phù nề mà vẫn chưa mở được, các bác sĩ sẽ kiểm tra, phẫu thuật treo mi mắt cho bé", PGS.TS Hà cho biết thêm.
Hằng năm, nhiều trẻ em bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, người lớn hay bị chó cắn vào vùng tay, chân còn trẻ em lại hay bị chó tấn công vào vùng đầu mặt do phụ huynh không để ý khi trẻ ở nhà. Vì vậy, phụ huynh có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được tiêm phòng dại hàng năm, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ.
Các bác sĩ cho biết ngay khi bị chó, mèo hay súc vật cắn, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong 10 - 15 phút, sau đó làm sạch bằng các loại thuốc sát trùng như cồn, oxy già, và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa.