Bé trai bị máy xúc cán dập nát cẳng chân
Ngồi chơi trên nền nhà đang xây sửa, một bé trai bị máy xúc múc phải khiến cẳng chân bên phải dập nát nghiêm trọng, nguy cơ phải phẫu thuật cắt cụt.
Tai nạn hy hữu xảy đến với bé Nguyễn Trường Huy (7 tuổi, Thanh Hóa) lúc 15 giờ chiều ngày 6/12. Bé được đưa đến bệnh viện huyện để sơ cứu vết thương rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương giờ thứ 9 sau tai nạn.
Tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng mất nhiều máu, da xanh, niêm mạc nhợt, các bác sĩ Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cho cháu truyền máu, truyền kháng sinh và thuốc giảm đau, tiêm phòng uốn ván.
Tai nạn gãy hở dập nát cẳng chân phải khiến trẻ bị mất đoạn xương chày, gãy xương mác 2 đoạn, tổn thương bó mạch thần kinh chày sau, dập nát cơ, lóc da cẳng chân. Do thương tích nghiêm trọng, bệnh nhi đứng trước nguy cơ phải phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân bị dập nát.
Ths.BS Nguyễn Vũ Hoàng, Khoa Chỉnh hình nhi, người trực tiếp mổ cho bé Huy cho biết, 2 giờ sau nhập viện cháu bé được chuyển lên khu phẫu thuật. Trong quá trình làm sạch vết thương, các bác sĩ nhận thấy cẳng chân vẫn còn bó mạch thần kinh chày trước và gân gót Achille. “Đây là hy vọng để chúng tôi quyết tâm bảo tồn phần chân phải đã dập nát của cháu bé”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Bệnh nhi được các bác sĩ cắt lọc da, cơ dập nát, khâu cầm máu, kết hợp xương chày bằng đinh Kirschner, khâu nối cơ, đặt dẫn lưu, khâu da thưa, băng ép và đặt nẹp bột đùi cẳng bàn chân phải. Sau phẫu thuật, bé Huy tiếp tục được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, truyền dịch, truyền máu, truyền đạm, xét nghiệm để chống nhiễm trùng vết mổ.
Nhận định về tình trạng của bệnh nhi này, TS.BS Hoàng Hải Đức, Trưởng Khoa Chỉnh hình Nhi cho hay, sau phẫu thuật, bệnh nhi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như hoại tử chi dẫn đến phải cắt cụt phần chi tổn thương, nhiễm khuẩn, viêm xương. Chính vì vậy mà gia đình cháu bé và ekip phẫu thuật cho bé Huy đã trải qua những ngày chờ đợi căng thẳng.
Đến nay, sau 5 ngày phẫu thuật, các bác sĩ và gia đình đã có hy vọng khi nhận thấy bàn chân phải của bé tiến triển tốt với dấu hiệu bàn chân hồng ấm, có thể cử động được.
“Việc bảo tồn chân cho em bé có thể coi là thành công. Tuy nhiên, do tổ chức cơ và da dập nát nhiều, có dấu hiệu hoại tử, nên bệnh nhi sẽ cần phải phẫu thuật để cắt lọc tổ chức hoại tử và ghép da, cơ. Ngoài ra, cháu bé còn cần được tập phục hồi chức năng, đi giầy chỉnh hình để phục hồi khả năng vận động”, bác sĩ Đức chia sẻ.