Belarus cảnh báo trận chiến tiếp theo sẽ diễn ra ở Trung Á
Phát biểu trong một cuộc họp trọng thể nhân Ngày Độc lập của nước Cộng hòa (3/7), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo rằng, trận chiến tiếp theo trong cuộc đấu tranh để phân chia lại thế giới sẽ là ở Trung Á, các dấu hiệu của điều này đã xuất hiện.
Theo lời Tổng thống Belarus A.Lukashenko, "người Mỹ muốn thống trị... họ muốn một thế giới đơn cực, và những người ngẩng cao đầu bị ném bom... Lý do là sự xuất hiện của các quan hệ mới trên thế giới, đa cực". Ông nhấn mạnh rằng, ngày nay đang có một cuộc đấu tranh không chỉ cho không gian hậu Xô Viết, phần châu Âu của nó, mà ngày nay đã diễn ra cuộc đấu tranh cho Trung Á, nơi có các nước cộng hòa (thuộc Liên Xô cũ).
Tổng thống Lukashenko nhắc nhớ rằng, sau các cuộc biểu tình hàng loạt ở Kazakhstan vào đầu năm nay, ông đã cảnh báo về nguy cơ làm mất ổn định tình hình ở Uzbekistan. Trước tình hình bạo loạn vừa xảy ra ở nước cộng hòa này, do bất đồng quan điểm trong sửa đổi Hiến pháp, nhà lãnh đạo Belarus coi là người ta bắt đầu “bơm” vào Uzbekistan. Theo lời ông, ở nước cộng hòa này đang tuyên bố rằng, “người nước ngoài đã nhúng tay vào”.
Theo Tổng thống Lukashenko, "Trung Á nằm giữa hai ngọn lửa: một bên là người châu Âu và người Mỹ, một bên là Trung Quốc, lực lượng giúp Trung Á rất nhiều để tồn tại. Cuộc chiến này sẽ ở Trung Á trong thời gian tới, các triệu chứng của điều này đã xuất hiện ". Ông nhấn mạnh rằng, "thế giới sẽ bị chia rẽ".
Trước đó, tại lãnh thổ của Karakalpakstan-Uzbekistan đã diễn ra các cuộc biểu tình, phản đối dự thảo luật sửa đối Hiến pháp, trong đó đề xuất loại bỏ các điều khoản rằng, Karakalpakstan là một nước cộng hòa có chủ quyền, là một phần của Cộng hòa Uzbekistan và có thể rút khỏi nước này dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân của nhân dân Karakalpak.
Do tình hình bất ổn trong khu vực, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev quyết định không thực hiện những thay đổi đối với hiến pháp liên quan đến địa vị của Karakalpakstan. Ông cũng đã ký sắc lệnh ban hành tình trạng khẩn cấp từ ngày 3/7 đến ngày 2/8 trên lãnh thổ của Karakalpakstan và đã được Quốc hội phê chuẩn.
Theo chuyên gia, các cuộc mít tinh quy mô lớn, kèm theo bạo loạn, trước đây đã diễn ra ở một số quốc gia trong không gian hậu Xô Viết. Đặc biệt, ở Belarus, ở Kazakhstan, và cả ở Ukraine. Sau đó, mọi thứ kết thúc bằng một cuộc đảo chính. Trong mọi trường hợp, sự tham gia của các cấu trúc bên ngoài của phương Tây trong việc tổ chức các cuộc biểu tình trái phép đã được ghi nhận./.