Bền bỉ cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái và thực phẩm bẩn

Trước hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc giả bị phát hiện tại nhiều địa phương, kỳ họp thứ 31 của HĐND tỉnh Nghệ An đã 'nóng' lên với những chất vấn thẳng thắn dành cho các sở, ngành.

Gian lận thương mại ‘còn đất, cỏ sẽ mọc’

Chất vấn tại kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh Nghệ An ngày 10/7, trước loạt vụ hàng giả, thuốc giả và thực phẩm chức năng kém chất lượng, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương thẳng thắn thừa nhận: "Còn đất, cỏ sẽ mọc", cho thấy việc gian lận thương mại sẽ còn tiếp diễn nếu không dọn sạch "đất sống" của nó. Phiên chất vấn tại HĐND tỉnh vì thế nóng lên với hàng loạt kiến nghị mạnh tay xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Văn đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là Sở Công Thương trong việc ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn. Ông Văn nhấn mạnh nỗi lo của người dân hiện nay là "ăn cái gì cũng sợ, mua cái gì cũng lo".

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa thừa nhận, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái đang là "vấn nạn" trên thị trường. Ông Hóa cho biết, ngành Công Thương với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã và đang thực hiện công tác kiểm soát hàng hóa lưu thông. Đặc biệt, theo ông, chiến dịch chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng triển khai trên toàn quốc thời gian qua đã khiến "cả nước dậy sóng", với hàng nghìn vụ vi phạm bị xử lý.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Khánh Linh và Lữ Thị Khuyên về giải pháp xử lý "tận gốc" tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi và hiện tượng "nhãn thật, hàng giả", Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: "Hàng giả, hàng nhái không phân biệt thị trường, nơi nào lực lượng mỏng, hàng giả càng dễ len lỏi".

Đại biểu HĐND tỉnh Trần Thị Khánh Linh nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Công Thương.

Đại biểu HĐND tỉnh Trần Thị Khánh Linh nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Công Thương.

Thực tế ở các vùng nông thôn, miền núi, lực lượng chức năng còn mỏng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, trong khi nhận thức của người dân về hàng giả còn hạn chế. Nhiều trường hợp dù biết sản phẩm kém chất lượng nhưng người dân vẫn sử dụng do giá rẻ hoặc tiện lợi.

Vì vậy, theo ông Hóa, giải pháp căn cơ và bền vững nhất là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường vai trò giám sát, quản lý của chính quyền cấp xã, thôn, xóm đặc biệt với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán tự do trên địa bàn.

Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng trả lời các câu hỏi liên quan đến thực trạng và giải pháp kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh.

Ông Hóa thẳng thắn thừa nhận: Gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp, xuất hiện trên nhiều phân khúc và địa bàn, nhưng công tác ngăn chặn, xử lý còn nhiều hạn chế. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng vẫn còn tình trạng bỏ sót, thiếu chia sẻ dữ liệu và còn những "khoảng trống" trong quản lý. "Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng thì không thể kiểm soát được, mà cần sự vào cuộc từ nhiều phía, từ nhà sản xuất đến chuỗi cung ứng và tiêu dùng," ông Hóa nhấn mạnh.

Về nâng cao năng lực người tiêu dùng và bộ công cụ nhận diện hàng giả, Giám đốc Sở Công thương cho rằng việc ký cam kết bắt buộc đối với 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là giải pháp quan trọng, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm. Đồng thời, ngành Công Thương yêu cầu tăng cường công khai thông tin, khuyến cáo người dân cách nhận biết hàng giả - hàng thật, hướng tới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ kiểm tra, xác minh nguồn gốc, đặc biệt trên nền tảng thương mại điện tử.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô tải phát hiện, xử lý 1,3 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô tải phát hiện, xử lý 1,3 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Hóa cũng chỉ rõ những điểm yếu như: công tác tuyên truyền chưa có chiều sâu, hiệu quả lan tỏa trong cộng đồng còn hạn chế; sự quan tâm của chính quyền cơ sở chưa tương xứng với tính chất phức tạp của vấn đề.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Chia sẻ quan điểm, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho rằng, thực trạng hàng gian, hàng giả vốn không mới nhưng khi tích tụ đủ về lượng sẽ "bùng nổ" thành những vụ việc lớn, khiến dư luận giật mình. Đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, khi chỉ cần một mặt hàng bán chạy sẽ lập tức có đối tượng làm giả để trục lợi do siêu lợi nhuận. Thị trường còn nhiều "cỏ dại" khiến ngay cả các doanh nghiệp uy tín cũng than phiền khó tiếp cận với người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô con phát hiện, xử lý , buộc tiêu hủy 216 kg bánh trẻ em các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phương tiện xe ô tô con phát hiện, xử lý , buộc tiêu hủy 216 kg bánh trẻ em các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An Phạm Văn Hóa cho biết, sau Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh, tỉnh sẽ kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh và thành lập 130 Ban Chỉ đạo cấp xã trong thời gian từ 20 - 25/7/2025. Sau đó, các tổ công tác sẽ trực tiếp về cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nhiệm vụ.

Ông Hóa thừa nhận, công tác tuyên truyền thời gian qua còn rời rạc, thiếu chiều sâu và chưa tạo được sự chuyển biến mạnh trong toàn xã hội. Người dân, lực lượng quan trọng trong phòng chống hàng giả vẫn đang đứng ngoài cuộc.

Riêng lực lượng Quản lý thị trường, từ năm 2024 đến nay đã triển khai ký kết 2.480 bản cam kết đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước và công tác đấu tranh, ông cho rằng không chỉ nhìn vào số vụ bắt giữ hay xử phạt mà phải dựa trên mức độ "sạch" của thị trường và lòng tin của người tiêu dùng. Đây là những tiêu chí quan trọng nhưng vẫn chưa đạt được.

Trong bối cảnh lực lượng và nguồn lực còn hạn chế, ông Hóa nhấn mạnh: cần thay đổi phương pháp đấu tranh, tập trung có trọng tâm, trọng điểm và xử lý dứt điểm từng vấn đề. Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung đấu tranh mạnh với thuốc giả và thực phẩm chức năng giả, hai mặt hàng đang gây lo ngại lớn với người dân.

Cùng với đó, tỉnh cũng thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng, phát triển phong trào sản phẩm OCOP, tăng sức cạnh tranh cho hàng thật, hàng sạch; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, góp phần vừa phát triển kinh tế vừa chống hàng giả một cách bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý trên các lĩnh vực như thương mại, y tế, nông nghiệp, hải quan, thuế... Trong đó có tăng cường tuyên truyền pháp luật, tập huấn về an toàn thực phẩm, quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử và ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, sản xuất hàng lậu, hàng giả, hàng cấm.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng một số quy định pháp luật hiện hành vẫn còn nặng về hình thức, khiến công tác thanh tra, kiểm tra chưa thật sự hiệu quả.

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm của các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An từ đầu năm 2024 đến ngày 31/5/2025 với tổng 8.339 vụ; khởi tố 1.378 vụ/1.857 đối tượng; thu phạt gần 394 tỷ đồng.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ben-bi-cuoc-chien-chong-hang-gia-hang-nhai-va-thuc-pham-ban-169250711090858053.htm