Bên cạnh gói hỗ trợ kinh tế, cần để dành cho rủi ro y tế
Theo các chuyên gia, Việt Nam còn dư địa chính sách cho phục hồi, tuy nhiên các chính sách cần thiết kế hài hòa, linh hoạt để đạt được hiệu quả tốt nhất trong bối cảnh bất định, đặc biệt phải tính đến và dự phòng những rủi ro Covid-19 có thể tiếp tục bùng phát.
Ở giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch, bội chi ngân sách của Việt Nam rơi vào khoảng 4,3 – 4,7% mỗi năm. Đến năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, bội chi ngân sách rơi vào khoảng 7,53%, ước tính năm 2021 sẽ khoảng 5,4% (tính theo GDP cũ).
TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính cho biết, con số về bội chi ngân sách tăng lên cho thấy Việt Nam thời gian qua đã thực hiện được các chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.
Thực tế, trong những năm gần đây, công tác điều hành chính sách của Việt Nam được tiến hành tương đối thận trọng. Đây chính là nguyên nhân giúp chúng ta vẫn giữ được dư địa tài khóa, tiền tệ để tiếp tục triển khai chính sách phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo ông Cường, trong việc triển khai các gói hỗ trợ, cần đặc biệt lưu ý tới 4 rủi ro, thách thức.
Đầu tiên là tính bất định của Covid-19. Hiện tại, dù dịch bệnh đang trở về tầm kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dữ dội bất cứ lúc nào, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng mới.
Sự khó lường này đặt ra yêu cầu bắt buộc phải có một khoản chi phí dự phòng dành cho y tế. Ông Cường ước tính sẽ rơi vào ít nhất khoảng 0,8 - 1% GDP hàng năm cho 2 – 3 năm tới.
Thứ hai là rủi ro vay nợ, bao gồm rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất với các khoản vay. Điều này đặt ra sự khó khăn cho việc điều hành giảm lãi suất tiền tệ.
Thứ ba là song song với việc đưa ra các gói hỗ trợ, khả năng giải ngân cũng là vấn đề cần phải xem xét. Gói hỗ trợ chỉ có thể phát huy tác dụng nếu được giải ngân kịp thời, hỗ trợ kịp thời cho đúng đối tượng. Tình hình triển khai các gói trợ cấp xã hội hay giải ngân đầu tư công thời gian qua đã phản ánh rõ nét thách thức này.
Cuối cùng là tính bền vững của nguồn thu ngân sách, khi ngân sách vẫn có 9 - 10% tổng thu đến từ nguồn thu đất đai.
Ông Cường nhận xét, với những thách thức đặt ra, khoản hỗ trợ tài khóa có thể rơi vào khoảng 4% cho 2 năm, chưa bao gồm chi phí y tế. Nếu tính chi phí y tế, tổng khoản hỗ trợ có thể rơi vào 5,8 – 6% GDP.
Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp trong triển khai giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, bởi cả 2 chính sách này đều có độ trễ khác nhau, có những tác động khác nhau. Sử dụng phối hợp 2 chính sách giúp tăng cường tính linh hoạt và kịp thời, đảm bảo ổn định vĩ mô.
Nói về lạm phát, chuyên gia tài chính nhận định đây không phải thách thức quá lớn trong giai đoạn này, trong bối cảnh tổng cầu còn yếu.
Để triển khai chính sách tiền tệ, ông Cường đưa ra gợi ý về việc thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng thương mại, cho phép các ngân hàng linh hoạt sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cơ cấu lại nợ, sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn…
Đồng quan điểm về dư địa chính sách còn đủ để triển khai hỗ trợ, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh quan điểm sử dụng công cụ thuế một cách hiệu quả hơn.
“Nếu khó khăn trong việc chi như thế nào, vậy thì thu nhiều để làm gì”, ông Morisset đặt vấn đề.
Theo đó, Chính phủ có thể giảm thuế tiêu dùng để kích thích nhu cầu của nền kinh tế, từ đó phục hồi kinh tế một cách bền vững. Mặt khác, cũng cần thiết phải xem xét lại chính sách ưu đãi thuế cho khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chuyên gia kinh tế trưởng WB nhận xét, các doanh nghiệp FDI đã hiện diện ở Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn, họ vẫn không đánh mất đi niềm lạc quan vào khả năng phục hồi của nền kinh tế. Do đó, thay vì ưu đãi thuế một cách thiếu hiệu quả, Việt Nam cần có chính sách để bắt doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Một điểm khác về chính sách phục hồi được ông Morisset đưa ra, bên cạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, cần phải tính đến sự ổn định và bền vững về lâu dài, do đó cần tập trung đẩy mạnh những ngành có giá trị cao, hướng tới những mô hình phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biển đổi khí hậu.