Bến Cát - Bình Dương: Tăng cường phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng
Nhằm quản lý tốt trật tự xây dựng, cơ quan chức năng của thị xã Bến Cát (Bình Dương) đã tích cực phối hợp với nhau trong quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt, công tác phối hợp đã tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giữa Phòng Quản lý đô thị với Thanh tra xây dựng, UBND xã phường và đơn vị có liên quan trong hoạt động quản lý trật tự xây dựng.
Phối hợp và chịu trách nhiệm
Trong những năm gần đây thị xã Bến Cát luôn có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nên đã hình thành nhiều khu cụm công nghiệp, các khu dân cư, khu nhà ở và hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh.
Theo báo cáo của Phòng quản lý đô thị Bến Cát, trên địa bàn có 54 khu dân cư - khu nhà ở được quy hoạch đạt chuẩn với tổng diện tích 2.917ha. Các dự án này đã bước đầu đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho người dân và công nhân lao động trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên do nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng cao nên cũng gây nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có công tác quản lý về trật tự xây dựng. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, thị xã Bến Cát đã tiếp nhận và giải quyết cấp giấy phép xây dựng cho 4.031 hồ sơ.
Ông Trần Ngọc Sang - Phó phòng Quản lý Đô thị Bến Cát cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và xây dựng đô thị thị xã Bến Cát theo hướng bền vững, bảo đảm các mục tiêu nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị trên địa bàn thị xã. Do đó, ngoài nhiệm vụ thường xuyên thì công tác phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng ngày phải làm.
Sau khi tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND về việc quy định phân cấp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì Phòng Quản lý đô thị Bến Cát cũng đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hàng tháng UBND thị xã tổ chức các cuộc họp phòng, ban chuyên môn về việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đồng thời kiểm tra, khảo sát thực tế các công trình xây dựng trên địa bàn thị xã để kịp thời chỉ đạo. Trên cơ sở đó, Phòng Quản lý đô thị sẽ phân công từng cán bộ về hỗ trợ, phối hợp với Tổ trật tự đô thị UBND các xã, phường, Đội Thanh tra Xây dựng và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn thị xã. Qua công tác phối hợp đã có 520 công trình được kiểm tra trong 5 tháng đầu năm 2023, trong đó có 407 công trình đúng phép, 52 công trình sai phép, 61 công trình không phép. Việc làm này kịp thời chấn chỉnh tình trạng xây dựng sai phép, không phép, lấn chiếm hành lang....
Ngoài ra, định kỳ hàng tháng Phòng Quản lý đô thị lập kế hoạch phối hợp cùng UBND các xã, phường, Thanh tra Sở Xây dựng - Đội số 4 và các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã. Đồng thời, UBND các xã, phường lập và phê duyệt kế hoạch phối hợp theo kế hoạch của Phòng Quản lý đô thị và Thanh tra Sở Xây dựng. Khi tiến hành kiểm tra, căn cứ theo thẩm quyền của từng đơn vị, sẽ lập biên bản kiểm tra ghi nhận lại hiện trạng và tham mưu UBND thị xã xử lý vi phạm hành chính nếu có.
“Công tác phối kết hợp giữa UBND các xã, phường với phòng Quản lý Đô thị thị xã và Thanh tra Sở Xây dựng trong công tác quản lý trật tự xây dựng được đảm bảo thường xuyên cụ thể qua kế hoạch kiểm tra, phối hợp hàng tháng của phòng Quản lý Đô thị thị xã. Phòng Quản lý Đô thị thị xã phân công 01 nhân viên Đội Quản lý trật tự đô thị thị xã tham gia trực tiếp với Tổ trật tự đô thị UBND các xã, phường để phối hợp kiểm tra và kịp thời báo cáo vụ việc có liên quan. Làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật nếu phát hiện trường hợp vi phạm. Do đó, việc trao đổi và chuyển thông tin giữa các đơn vị được kịp thời, đúng thẩm quyền của từng cơ quan chuyên môn”, ông Sang thông tin thêm.
Cắm biển cảnh báo dự án chưa đủ điều kiện giao dịch
Việc cắm biển cảnh báo tại các dự án nhà ở đang triển khai là một trong những việc làm cụ thể trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Qua đó giúp người dân nắm được pháp lý dự án, đảm bảo các quyền lợi khi có ý định giao dịch mua bán bất động sản nhằm tránh khiếu kiện do thiếu thông tin về dự án.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Nhằm cụ thể hóa phân cấp trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng và tăng cường quản lý chặt chẽ tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn Bình Dương được thống nhất, nhanh chóng và kịp thời. UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 41 về phân cấp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn với các nội dung, quy định cụ thể trách nhiệm từng tổ chức cá nhân đối với công tác quản lý trật tự xây dựng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm trong hoạt động phối hợp quản lý trật tự xây dựng. Việc phối hợp quản lý trật tự xây dựng phải đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, không trùng lặp, chồng chéo, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền theo đúng quy định của phát luật liên quan. Không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh phải được quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Vi phạm trật tự xây dựng phải được phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để ngay từ khi mới phát sinh, đúng quy định pháp luật.
“Đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn, các đơn vị chức năng cần chú trọng, tăng cường các nội dung về tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản. Kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, xử lý ngay từ đầu, triệt để đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, các hoạt động môi giới, giao dịch, chuyển nhượng, rao bán, quảng bá, tiếp thị bán sản phẩm nhà ở trên địa bàn khi chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Sở Xây dựng thường xuyên công bố các dự án nhà ở đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn trên website của Sở (https://sxd.binhduong.gov.vn) để người dân và doanh nghiệp nắm rõ về tình trạng pháp lý dự án. Khi có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng bất động sản, người dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ pháp lý dự án nhằm tránh rủi ro khi thực hiện các giao dịch trái quy định pháp luật, tránh hệ lụy pháp lý phức tạp về sau”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh công tác phối hợp, thì cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ các cơ quan báo chí, tổ chức hoặc người dân cung cấp liên quan đến: hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tụ tập giao dịch, chuyển nhượng, rao bán nhà, đất, căn hộ đối với các dự án nhà ở có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn để có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời, tránh phát sinh các hành vi vi phạm ngay từ ban đầu.
Đồng thời, các địa phương tổ chức thực hiện việc cắm “biển báo” và bảo vệ “biển báo” tại vị trí khu đất đối với các dự án chưa đủ điều kiện mua bán chuyển nhượng, huy động vốn trái phép. Qua đó kịp thời cảnh báo người dân về các dự án nhà ở, căn hộ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng mua bán theo quy định pháp luật, tránh “tiền mất tật mang”.