Bên dòng Trà Bương (kỳ cuối)

Ông Nguyễn Cư, người chống đò cuối cùng trên bến Sông Con. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Kỳ cuối: Người chống đò cuối cùng

Trước đây, người dân đi từ Xuân Quang, Xuân Phước lên xã Phú Mỡ và ngược lại phải đi đò qua sông Trà Bương. Ông Nguyễn Cư, 61 tuổi, ở đội 9, thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) là người chống đò cuối cùng trên bến sông này trước khi có cây cầu bắc qua sông.

Gia đình ông Cư có đến 2 thế hệ chống đò. Cha ông là Nguyễn Chín với 29 năm làm nghề này. Khi cầu vượt lũ hoàn thành, từ giã bến đò, ông Cư trở lại làm nông.

Chống đò lấy… lúa

Tính từ đập Hồ Phú Xuân xuôi xuống, sông Trà Bương dài hơn 15 cây số. Tuy ngắn nhưng dòng sông có nhiều bến, như bến Ông Bắn, Đồng Thành, Ông Rằng, bến Núi Một, bến Sông Con. Riêng bến Sông Con là cách gọi khác của sông Trà Bương, nằm trên tuyến đường từ thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 đến thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước, nối vào tuyến ĐT647, từ Xuân Phước đi Phú Mỡ.

Bến Sông Con là cửa ra vào. Trước đây, bước vào mùa mưa, từ tháng 9 đến đầu tháng 12 âm lịch, nước từ thượng nguồn đổ về sông Con lênh láng. Vì vậy, vào mùa mưa, nước lũ ngập sâu, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn, người dân, học sinh ở các xã Xuân Quang 3, Xuân Phước, Xuân Quang 1 và Phú Mỡ đi lại bằng đò qua sông. Ông Nguyễn Cư cho hay: Gia đình tôi có 2 thế hệ làm công việc chống đò đưa khách sang sông. Mùa mưa nước sông dâng cao, chảy xiết, cha tôi rồi đến tôi vẫn cố gắng chống đò đưa học sinh và bà con qua sông.

Ông Nguyễn Chín, cha ruột ông Nguyễn Cư sau 29 năm chung thủy với nghề chống đò, khi tuổi già sức yếu đã bàn giao cây sào lại cho con. Lạ thay, gia đình anh em ông Cư gọi cha bằng chú. “Hồi nhỏ do khó nuôi hay sao đó mà 3 anh em ruột của tôi từ nhỏ đến lớn đều gọi cha bằng chú. Chú tôi chống đò ở bến Sông Con từ lâu lắm rồi. Hồi nhỏ, trưa nào tôi cũng đem cơm ra bến đò cho chú. Có ngày mưa tầm tã, chú ngồi ăn mà nước mưa từ chiếc nón cời chảy xuống chan cơm. Đến khi tôi chống đò, mưa ở miền núi xối xả, đến bữa trưa, tôi tủ áo mưa phủ kín đầu lùa vội chén cơm. Nuốt cơm vừa qua khỏi cổ thì đứng dậy chống đò cho học sinh kịp vào lớp đúng giờ”, ông Cư kể lại.

Chống đò có lúc thức nửa đêm, gà gáy. Trong thôn nửa đêm có phụ nữ chuyển dạ vào nhà kêu ông chống đò chở qua sông đưa đến trạm y tế bên thôn Phước Lộc - trung tâm xã Xuân Quang 3. Có người nửa đêm đau bụng cấp cứu, ông thắp đèn dầu lủi thủi ra sông cầm sào. Trước đây, người dân thôn Thạnh Đức đi chợ Đồng Dài (khu phố Long Hà, thị trấn La Hai), đường xa nên khởi hành từ lúc gà gáy, canh ba. Đến phiên chợ, trước khi gà gáy, người chống đò đã có mặt ở bến sông đưa người đi chợ.

“Hồi đó, chú tôi chống đò lấy lúa. Học sinh ở miền núi nhà nghèo đâu có tiền mà đưa tiền đò hàng ngày. Chống đò đưa đón 1 học sinh qua lại 3 tháng mùa mưa chỉ lấy đúng 1 giạ lúa, tương đương 1 thúng, khoảng 7-8kg. Không phải lấy lúa liền, thường qua mùa mưa, chờ đến mùa lúa, 3 anh em tôi đến từng nhà góp lúa đò”, ông Cư tâm sự.

Cũng theo ông Cư, cha ông có tật lạ là quanh năm suốt tháng chỉ mặc chiếc quần đùi, còn mặc áo thì không bao giờ gài nút. Nhỏ con nhưng ông có tài cầm sào, bơi lội rất giỏi, 29 năm chống đò không để xảy ra tai nạn chết người…

Đến đầu năm 2000, sức yếu, người qua lại ngày càng đông, ông Chín giao cây sào và chiếc đò lại cho con trai. Và ông Nguyễn Cư nối nghiệp cầm sào từ đó. Lúc đó, bến Sông Con làm cầu tràn, nhưng vì xây thấp nên cầu tràn không đủ sức vượt lũ. Mùa mưa cầu tràn luôn bị nước lũ ngâm nhiều ngày. Dòng sông Con chỗ nước chảy qua tràn rất hỗn. Nước lớn nhanh cũng rút nhanh, chảy xiết. Ông Cư có một bí quyết khi chống đò, đó là lúc gần bờ xuất bến thì cầm cây sào thật chắc, kiềm chặt vào mạn đò. Nếu để cây sào lót ngang vào bụng con đò thì nó sẽ lật ngay. Khi ra giữa dòng thì ông dùng mái dầm bơi.

Nối nghiệp cha, ông Cư luôn vững cây sào, trọn vẹn với nghề chống đò, không để xảy ra tai nạn chết người.

Năm 2013, cầu bắc qua sông Trà Bương nằm trên tuyến đường từ thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 đến thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước hoàn thành đưa vào sử dụng. Theo Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng cơ bản huyện Đồng Xuân, đơn vị chủ đầu tư, cầu dài 500m, tính cả đường dẫn hai bên mố cầu, cao hơn cầu tràn cũ khoảng 5m. Cây cầu này giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trên tuyến đường đi qua 4 xã mỗi khi xảy ra bão lụt.

Nông dân 4.0

Từ giã bến đò, ông Cư trở lại làm nông. Nói chuyện làm nông, ông không bỏ sót nghề nào, từ trồng mía, sắn, đến trồng cỏ nuôi bò. Ông Cư cho hay: Người trong xóm tranh tài nuôi bò lai. Bò lai Pháp tướng to nhưng đít túm, còn bò lai sind thì đít cối tiêu. Nuôi bò 3B cân đầu cân đuôi, nuôi lớn đến đâu bung đùi đổ thịt đến đó, bán được tiền nên ai cũng ham.

“Nuôi bò lai sướng lắm. Ngủ chưa dậy lái buôn đã đến ngồi đợi ở cửa chuồng. Họ vào tận chuồng đặt hàng rồi xin số điện thoại. Khi mình đi làm xa, lái buôn đến chuồng xem từng con bò rồi trả giá. Thuận mua vừa bán. Nếu mình đồng ý, họ đưa tiền cho vợ rồi dắt bò”, ông Cư nói về cách bán bò từ xa, qua điện thoại.

Ở vùng nông thôn, cùng với nuôi con bò, bà con nông dân còn trồng thêm cây sắn, cây mía để phát triển kinh tế gia đình. Ngăn cách xóm nhà với sông Trà Bương là soi mía. Nói về trồng mía, ông Cư chia sẻ: Thời còn trồng mía ta, nông dân bấm đầu ngón tay, chờ mưa mới cày đất. Năm nắng hạn, mía mới trồng dọc triền soi chết héo xung quanh bờ, phải cấy. Lúa cấy đã đành, mía cũng cấy, nghĩa là bứng cây mía chỗ mọc dày trồng dặm chỗ đất trống. Mía trồng dặm bén rễ phát triển chậm, những cây yếu sức bị mắc rập bởi cây lớn che khuất ánh mặt trời èo uột rồi chết sau đó. Gặp năm nắng hạn kéo dài, mía thiếu nước, đói phân héo úa, đỏ lá, đến khi thu hoạch cây to chỉ bằng ngón tay. Có năm mía héo đến cả lá lao, lá cuối cùng, năng suất không quá 30 tấn/ha.

Giờ đây, nông dân trồng mía cao sản giống KK3. Nhờ có nước giải hạn cho mía, cây to, chặt 10 cây đầy một bó, vác nặng vai. Mía KK3 năng suất đạt 80 tấn/ha, chữ đường rất cao. “Trước đây, trồng mía ta ven soi, mùa mưa lụt, mía ngã sớm vươn lóng sát đất rồi đâm chồi, ruột mía bị xốp nhẹ, chữ đường thấp. Còn nay, tôi trồng mía cao sản, trồng rải vụ tránh mưa lụt. Đối với bắp, tôi cũng trồng ven sông giống bắp lai, trái dài gang tay người lớn… Thời đại 4.0 thì mình phải làm nông dân bốn chấm”, ông Cư nói.

Gần 10 năm, từ giã bến đò, ông Cư về làm nông. Nhà ông ở cuối dòng Trà Bương, nơi hòa vào sông Kỳ Lộ. Dù không còn chống đò nhưng nhiều người trong xóm vẫn gọi ông là ông Cư chống đò, vì tên gọi này đã ăn sâu vào tâm trí của người dân nơi đây. Còn trong lòng ông Cư cũng không quên nghề chống đò. Có những ngày ông qua lại cây cầu bắc qua sông Trà Bương, nhìn xuống bến đò dòng nước đang cuộn chảy. Dòng sông ngắn nhưng những kỷ niệm về bến Sông Con - sông Trà Bương lặng lẽ, chảy dài trong tâm hồn ông mải miết.

Ông Nguyễn Cư là hội viên chi hội nông dân. Khi còn chống đò, ông rất yêu nghề, tâm huyết với công việc hàng ngày. Sau khi rời bến đò, ông gắn bó với quê hương, đồng ruộng, chăn nuôi, áp dụng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến vào sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ 4.0.

Ông Võ Xuân Lộc, Trưởng thôn Thạnh Đức

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/277158/ben-dong-tra-buong-ky-cuoi.html