'Bén duyên' pháp chế từ nhiệm vụ 'quản trị rủi ro'
Là một trong số những người đầu tiên thực hiện công tác pháp chế của ngành than, bà Đặng Thị Tuyết đã trải qua đủ những khó khăn từ những ngày ban đầu ấy. Vì thế, bà cảm thấy vô cùng tự hào khi bộ phận pháp chế đã đóng góp không nhỏ vào thành công của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày nay…
Một trong những người đầu tiên làm pháp chế của ngành Than
Bà Đặng Thị Tuyết (sinh năm 1969) hiện đang giữ chức vụ Trưởng Ban Kiểm tra - Pháp chế TKV là một trường hợp khá đặc biệt, bởi bà trở thành một cán bộ phụ trách công tác pháp chế khi chưa cầm tấm bằng Đại học Luật.
Tốt nghiệp ngành kế toán thương mại năm 1991, bà Đặng Thị Tuyết về công tác tại một doanh nghiệp của ngành than. Năm 1995, khi tái cơ cấu ngành than, thành lập Tổng công ty than Việt Nam (tiền thân của TKV ngày nay) bà Đặng Thị Tuyết được chuyển về văn phòng Tổng công ty, làm kế toán tài chính.
Năm 2001, TKV bất ngờ gặp một rủi ro liên quan đến hợp đồng hợp tác với đối tác. Đó chính là bước ngoặt khiến lãnh đạo TKV cho rằng cần thành lập Ban Quản trị rủi ro trong kinh doanh. Và Đặng Thị Tuyết, với kinh nghiệm về kế toán tài chính đã được điều chuyển về Ban này với nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo về các vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty như các vấn đề liên quan đến rủi ro trong triển khai thực hiện dự án, rủi ro trong hợp đồng thương mại. Để nâng cao năng lực, trình độ của bản thân, trong giai đoạn ban đầu thực hiện nhiệm vụ quản trị rủi ro, Đặng Thị Tuyết đã theo học cao học Quản trị kinh doanh ở Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2005 là năm đánh dấu sự ra đời của công tác pháp chế TKV khi lãnh đạo Tập đoàn quyết định giao thêm nhiệm vụ pháp chế cho Ban Quản trị rủi ro trong kinh doanh và đổi tên thành Ban Quản trị rủi ro - Pháp chế. Đặng Thị Tuyết được bổ nhiệm vị trí Phó trưởng Ban. Và bà Tuyết trở thành một trong những người đầu tiên làm công tác pháp chế của Tập đoàn. “Khó khăn nhiều lắm, không thể kể hết được. Có những khó khăn nào của ngành pháp chế doanh nghiệp mà Bộ Tư pháp đã tổng kết thì tôi đều đã trải qua rồi” - bà Tuyết cười vui tâm sự sau khi đã trải qua gần 20 năm theo nghề pháp chế.
Tuy nhiên, theo bà Tuyết, bên cạnh những khó khăn thì bà cũng có nhiều thuận lợi. Đầu tiên phải kể đến là sự ủng hộ, tin tưởng giao nhiệm vụ của các thế hệ lãnh đạo Tập đoàn ngay từ những ngày đầu tiên. Ban đầu công tác pháp chế doanh nghiệp chỉ được triển khai trên Cơ quan Tập đoàn với vẻn vẹn 5 cán bộ (1 trưởng ban, 1 phó trưởng ban và 3 chuyên viên). Công việc thì cứ vừa làm vừa mò mẫm. Trong những năm đầu, hoạt động của pháp chế doanh nghiệp trong TKV rất hạn chế, chủ yếu là tham mưu, tư vấn một số vấn đề pháp lý trong các hợp đồng thương mại, một số dự án đầu tư lớn của Tập đoàn.
Một điều may mắn với bà Tuyết là công tác pháp chế ngày càng được lãnh đạo Tập đoàn chú trọng khi đã có những chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thành viên cũng triển khai thành lập và bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách tại các doanh nghiệp thành viên. Và từ 5 người ban đầu, hiện TKV đã có hệ thống pháp chế lớn mạnh với tổng cộng 185 người, làm việc tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Tuy nhiên, do chưa có bằng về Luật nên bà đã tích cực tích lũy kiến thức cho mình thông qua các lớp học dự thính, tham các hội thảo, tọa đàm liên quan đến ngành, tham gia hội luật sư năng lượng, tham gia câu lạc bộ pháp chế…
“Tôi vẫn rất tự tin làm tốt công việc của mình vì trong quá trình làm đã nắm bắt được nhiều vấn đề, nhất là đã có nghề kế toán và quản trị kinh doanh, giúp ích nhiều trong quản trị rủi ro về mặt pháp lý trong các hợp đồng hợp tác – vấn đề quan trọng nhất đối với mỗi Tập đoàn, Tổng công ty” - bà Tuyết chia sẻ. Sau này, bà Tuyết mới hoàn thành và chính thức có bằng cử nhân về ngành Luật.
Chú trọng xây dựng đội ngũ vững mạnh
Bắt đầu từ ngày 1/9/2017, Ban Pháp chế TKV thực hiện thêm nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quyết định của Tập đoàn. Đây là mảng công việc khá mới mẻ với bà Tuyết. Tuy nhiên, theo bà Tuyết, bà cũng rất may mắn vì khi giao thêm chức năng Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Ban, Tổng giám đốc đã điều động toàn bộ cán bộ làm công tác Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo có rất nhiều kinh nghiệm về Ban. Bên cạnh đó, bà cũng đã có kinh nghiệm trong mảng này bởi đã từng kinh qua các vị trí Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn.
Kể về một dấu ấn đáng nhớ trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, bà Tuyết cho biết, năm 2020 là năm tổ chức Đại hội đảng các cấp. Ban đầu Ban Kiểm tra - Pháp chế dự liệu sẽ phải vất vả giải quyết đơn thư “chuyện thường xảy ra ở các tổ chức trước mỗi kỳ đại hội” - bà Tuyết cười giải thích.
“Nhưng rất may mắn cho chúng tôi năm đó lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo lại rất ít, chủ yếu là một số đơn nặc danh, nội dung tố cáo không đúng sự thật, không có khiếu kiện đông người” - bà Tuyết tâm sự.
Để có được kết quả như vậy, theo quy chế của Tập đoàn, Ban Kiểm tra - Pháp chế đã tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ với người lao động, tổ chức tiếp công dân định kỳ thường xuyên. Những vấn đề bức xúc, nổi cộm của người lao động, công dân thường được giải quyết triệt để tại buổi tiếp công dân. Vì thế, năm 2020 Bộ Công Thương, Chánh Thanh tra Bộ Công thương đã có Bằng khen và giấy khen cho cá nhân bà Tuyết và Tập đoàn.
Nhưng theo bà Tuyết “cá nhân tôi có nhận được Bằng khen của Bộ Công thương hay Giấy khen của Chánh thanh tra Bộ Công Thương cũng là thành tích chung của cả tập thể Ban Kiểm tra - Pháp chế chứ một mình tôi không thể có được kết quả như vậy”.
Đó có lẽ chính là kim chỉ nam để bà Tuyết có được thành công ngày hôm nay với một hệ thống pháp chế vững mạnh từ Tập đoàn xuống đến từng đơn vị thành viên. Bởi bà luôn coi trọng công sức và sự lớn mạnh của từng cá nhân, từng đơn vị. Và với bà, việc hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp cho toàn bộ hệ thống cán bộ làm công tác pháp chế trong Tập đoàn và các công ty thành viên là công việc quan trọng hàng đầu.
Do đó, trong quá trình làm việc, bà luôn yêu cầu có sự tham gia của pháp chế của đơn vị. Bởi khi có sự tham gia của pháp chế tại đơn vị thì đoàn có thêm tư vấn của người trong cuộc nhưng cũng là cách đào tạo trực tiếp cho cán bộ khi họ tiếp cận vấn đề, tổ chức nghiên cứu và giải quyết vấn đề.
Bà kể lại, có lần, một công ty con của Tập đoàn mời nghiên cứu và tư vấn cho vấn đề vướng mắc của đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, trong khi đó đơn vị này đang có 3 cán bộ làm công tác pháp chế doanh nghiệp. Những vướng mắc cần tháo gỡ lại không quá phức tạp về mặt pháp lý. Nhưng Giám đốc Công ty ấy không tin rằng cán bộ pháp chế của mình có thể làm được. Khi tiếp cận vấn đề bà đã yêu cầu Giám đốc đơn vị giao cho pháp chế của đơn vị thực hiện dưới sự chỉ đạo của bà và kết quả là họ đã làm rất tốt.
“Tôi cũng từ sự tin tưởng và giao việc của lãnh đạo cấp trên mới có thể xây dựng cho Tập đoàn một hệ thống pháp chế vững mạnh nên tôi cho rằng, phải mạnh dạn giao việc và đặt niềm tin ở cấp dưới, ở giới trẻ. Chỉ có thế thì cái gốc vững mạnh mới tiếp tục được kế thừa” - bà Tuyết chia sẻ.
Cóp nhặt niềm vui mỗi ngày để gắn bó và yêu nghề
Sau gần 20 năm gắn bó với công tác pháp chế, bà Tuyết cho biết, bà vẫn rất yêu thích công việc này, nhất là khi được cùng với đồng nghiệp tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV. Đồng thời được chứng kiến sự lớn mạnh và trưởng thành trên cơ sở bền vững của Tập đoàn mà biết được rằng trong đó có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình.
Đặc biệt hơn khi biết được rằng ý kiến tư vấn của mình và bộ phận pháp chế vừa giúp cho doanh nghiệp của mình tránh được rủi ro trông thấy (cả về tiền bạc, pháp lý), rồi người làm pháp chế sẽ rất vui khi biết được rằng nhờ có ý kiến tư vấn pháp lý của mình mà giải quyết ổn thỏa một vụ tranh chấp tiềm ẩn. Nhưng có lẽ điều vui nhất, khiến bà Tuyết say sưa với nghề chính là việc tham gia giải quyết tố tụng mà bà cùng đồng nghiệp đã thắng trong vụ án hoặc đàm phán được những điều khoản thuận lợi cho Tập đoàn trong một hợp đồng với một đối tác… trong quá trình đàm phán hợp đồng mà mình đã giúp doanh nghiệp đạt được những điều thuận lợi hơn cả mong đợi sau khi cùng các đồng nghiệp cố gắng hết sức, phân tích với đối tác sự hợp tình, hợp lý…
Tất cả những điều đó đều được cóp nhặt mỗi ngày làm nên niềm vui của người làm pháp chế doanh nghiệp, khiến bà Tuyết cũng như các cộng sự trong Ban Kiểm tra - Pháp chế thấy yêu nghề hơn…