Bên lề Kỳ họp Quốc hội: Giải pháp tổng thể nào cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm?

Bên lề Kỳ họp Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu về các giải pháp tổng thể từ cải cách thể chế đến chính sách để khơi thông nguồn lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Sáng 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường nhiều nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công... Bên lề Kỳ họp Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại biểu về các giải pháp tổng thể từ cải cách thể chế đến chính sách để khơi thông nguồn lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị): Tìm kiếm giải pháp căn cơ

Chỉ còn hai tháng nữa là hết năm, nên việc có đạt được mục tiêu tăng trưởng như đề ra không rất khó khẳng định trước. Theo đó, rất cần các giải pháp căn cơ từ Quốc hội, Chính phủ.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trước hết, về thể chế, Quốc hội có thể dùng nghị quyết để điều chỉnh những vướng mắc trong các luật chưa sửa kịp như Luật Đầu tư công, Luật Tài sản công, Luật Ngân sách và các luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí "xé rào" đối với Luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để có cơ chế chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư quyết liệt hơn; giảm bớt điều kiện ràng buộc kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.

Với Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ để giải quyết các điểm nghẽn tăng trưởng; trong đó, rà soát tồn dư ngân sách trong các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư công ở các địa phương khi vừa qua đồng loạt nhiều nơi xin chuyển nguồn nhưng vẫn vướng luật.

Quốc hội, Chính phủ cần giải quyết vấn đề phân cấp, phân quyền "trọn gói" cho địa phương, nói cách

khác để địa phương tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong thực hiện. Các bộ, ngành trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc địa phương có thực hiện đúng nghĩa vụ và chức trách cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội hay không? Song song đó, không hình sự hóa quan hệ kinh tế để doanh nghiệp, người dân có điểm tựa, niềm tin vào chính sách để đầu tư lâu dài và bền vững.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Kích thích sức tiêu thụ thị trường nội địa

Đại biểu Trần Hoàng Ngân trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Trong 3 năm khó khăn khi Việt Nam phải đối phó với đại dịch COVID-19 nhưng thu ngân sách không giảm, nợ công lại kéo giảm rất tốt (dưới 40% GDP trong khi mức trần là 60% GDP). Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia nợ công giảm. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cho dù chúng ta có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn.

Ngoài ra, còn một nguồn kinh phí nữa là tài sản công. Theo đó, Chính phủ nên dành thời gian rà soát, kiểm kê nơi nào sử dụng tài sản công không hiệu quả thì xem xét đấu giá, lấy tiền đó hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Điều đó không chỉ tạo nguồn lực phục hồi mà quan trọng hơn là tạo niềm tin trong nhân dân về khâu quản trị quốc gia, tin tưởng vào sự quản lý hiệu quả tài sản nhà nước, tài sản nhân dân.

Như vậy dư địa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển là có. Một thế mạnh rất lớn nữa là Việt Nam có hơn 100 triệu dân nên thị trường nội địa là không nhỏ. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần chú trọng đến phát triển sức tiêu thụ của thị trường nội địa, tạo đà cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương): Tăng năng suất lao động để tăng thu nhập xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Trong khi năng suất lao động xã hội là điểm then chốt để tăng thu nhập xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước không đạt năm thứ 3 liên tiếp.

Với tốc độ này, tôi lo ngại, chỉ tiêu này trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 không đạt được và rộng hơn nữa định hướng Chiến lược lao động, việc làm và phát triển kỹ năng giai đoạn 2021 - 2030 cũng khó hoàn thành. Hiện năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với khu vực và các nước trên thế giới.

Để tăng tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, có nhiều vấn đề được đặt ra; trong đó, cần quan tâm đến đào tạo nghề, đặc biệt rà soát để cơ cấu lại cách quản lý và nội dung chương trình đào tạo đúng và trúng những gì thị trường và xã hội đang cần.

Cùng với đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để lực lượng lao động trong lĩnh vực chuyên môn cao chiếm đa số; lao động ở khu vực phi chính thức giảm dần. Và điều quan trọng nữa để nâng cao năng suất lao động là đẩy mạnh ý thức của người lao động.

Thực tế, không chỉ trong khu vực phi chính thức, ngay cơ quan nhà nước có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không tích cực trong công việc. Báo cáo của Chính phủ, các bộ và ngành cũng cho thấy quá trình ban hành và triển khai văn bản rất chậm. Hàng loạt dự án phải điều chỉnh thời gian, mà chậm do năng suất lao động. Lẽ ra một việc hoàn thành trong một khoảng thời gian, nỗ lực thì vượt trước thời gian, bây giờ cứ phải gia hạn, thậm chí gia hạn rồi vẫn chưa xong.

Theo tôi, đây cũng là một sự lãng phí lớn, không chỉ tiền bạc, thời gian mà đó là cơ hội. Như các dự án, công trình trọng điểm, nếu thực hiện đúng thời hạn thì tổng mức đầu tư khác; còn khi kéo dài, giá cả vật liệu, nhân công và ngày công tăng thì đương nhiên tổng mức đầu tư tăng lên. Như vậy, bất cứ sự chần chừ nào đều lãng phí, giảm năng suất lao động.

Uyên Hương – Diệp Anh (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-ky-hop-quoc-hoi-giai-phap-tong-the-nao-cho-tang-truong-tu-nay-den-cuoi-nam/313830.html