Bên lề Quốc hội: Ba đột phá chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025…
Bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các đại biểu về động lực tăng trưởng kinh tế, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2024 và cả năm 2025.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Việt Nam đã tạo được nền tảng, nền móng trong một bối cảnh thế giới nhiều bất ổn và vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế - xã hội. Đây là điều rất mừng, đặc biệt là kiểm soát lạm phát ổn định trong thời gian dài.
Để nền kinh tế có thể tăng tốc phát triển trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất là tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược như: đột phá về mặt thể chế, đột phá về kết cấu hạ tầng, đột phá về nhân lực.
Tổng Bí thư hay Chủ tịch Quốc hội đều đã khẳng định: Thể chế đó là một trong những điểm nghẽn của “điểm nghẽn”. Do đó, cần phải phát huy đầu tư xây dựng hệ thống luật pháp để tạo một thể chế phát triển và thể chế đó phải có tính lâu dài; đồng thời, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo.
Theo tôi, có ba nhân tố là động lực truyền thống, chẳng hạn như: xuất khẩu, có thể thấy dấu hiệu tích cực trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 15,4 % so với cùng kỳ 2023, trong khi thương mại thế giới đang chững lại.
Điều quan trọng nhất là phải tạo ra được những hàng hóa mang thương hiệu Việt đi ra thế giới, như hàng hóa về nông sản, thủy sản là thế mạnh của Việt Nam nhưng tỷ trọng còn khá khiêm tốn.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu, những mặt hàng này đang có rất nhiều tiềm năng, nhiều dư địa và lợi thế nhờ kinh nghiệm truyền thống của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp và thiên nhiên ưu đãi.
Việt Nam cần phải khai thác được tiềm năng, tập trung nguồn lực, vật lực và các chính sách hỗ trợ để phát huy hàng hóa thủy sản, nông sản; đặc biệt cần định hướng đây là một nền sản xuất lớn và chuyên nghiệp. Có như vậy, mới khẳng định được thương hiệu Việt.
Động lực thứ hai là về đầu tư xã hội, những năm vừa qua, vốn đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng. Tuy nhiên, vốn đầu tư khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn khoảng 17 % trong tổng vốn đầu tư xã hội.
Vốn lớn nhất hiện nay là nằm ở khu vực dân doanh, cho nên, phải tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, một thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt để doanh nghiệp trong nước đầu tư. Từ đó, mới hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế và tạo ra sự phát triển kinh tế một cách vững chắc hơn.
Động lực cuối cùng là về tiêu dùng. Chính phủ cần tăng thu nhập của người dân và có chính sách giảm thuế, phí. Có như vậy, mới tạo ra được hàng hóa chất lượng, giá cả phải chăng, phù hợp với mức thu nhập, giúp tăng tiêu dùng.
Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021- 2025. Tôi đồng tình với những chỉ tiêu phấn đấu đạt được trong năm 2025, GDP ở mức cao nhất trên 7% có thể là 7,5 %.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội):
Năm 2024, mặc dù, kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều biến động. Tuy nhiên, có thể thấy, năm nay, Việt Nam đạt được rất nhiều những thành tựu, nhiều tổ chức xếp hạng đánh giá về chỉ tiêu về xếp hạng tín nhiệm, chỉ số hạnh phúc, đổi mới sáng tạo, chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng đều tiến bộ và tăng bậc.
Về tăng trưởng kinh tế, quý III, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Con số này tương đương với quý III của cả giai đoạn trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đã phục hồi được như trạng thái trước dịch.
Đặc biệt xu thế hồi phục rất vững chắc, kinh tế được ổn định từ quý I/2023 đến nay. Với đà tăng này, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực trong quý IV/2024. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm hoàn toàn có thể đạt được.
Đóng góp vào đà tăng trưởng, có thể thấy chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực công nghiệp, trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu lại là do nhóm công nghiệp chế tạo, chế biến xuất khẩu. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào tình hình kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào nhóm đầu tư nước ngoài FDI. Có một điểm đáng quan ngại nữa là số doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động có tăng (9,7%), nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại tăng tới 21%.
Có thể thấy, số doanh nghiệp phục hồi, quay lại hoạt động lớn hơn năm 2023, nhưng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, ngưng hoạt động cũng lớn hơn năm ngoái. Điều này cho thấy, mặc dù, nền kinh tế phục hồi tốt, nhưng tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu.
Nếu chúng ta muốn phục hồi bền vững, phát huy nội lực, không phụ thuộc nước ngoài cần có giải pháp để tăng năng lực doanh nghiệp trong nước. Tăng năng lực doanh nghiệp trong nước sẽ tập trung vào những doanh nghiệp trụ cột, đầu ngành.
Tôi cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vừa qua dựa vào nền kinh tế phục hồi, tình trạng hàng tồn kho của các nước giảm nên đơn đạt hàng trong 9 tháng vừa qua tăng nhanh. Trụ cột tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.
Có thể nhận thấy về tiêu dùng 9 tháng năm 2024 có tăng so với năm 2023, những vẫn thấp hơn so với bình quân giai đoạn trước dịch.
Trong lĩnh vực tiêu dùng, đóng góp của ngành du lịch là rất lớn. Ngành du lịch trong mấy năm vừa qua tăng trưởng rất mạnh, thậm chí nhiều chỉ số về du lịch hiện nay còn cao hơn cả gia đoạn trước dịch.
Trong khi đó, nhóm tiêu dùng trong nước phục hồi chậm, mặc dù vừa qua đã có thay đổi về chính sách tiền lương, nhưng hầu như cũng chưa tác động nhiều tới tăng trưởng tiêu dùng của người dân. Và vấn đề đặt ra cần phải tăng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề cần quan tâm là người dân hiện nay có thể mua hàng online. Nếu mua qua sàn thương mại điện tử trong nước còn thống kê được, nhưng nếu mua qua các mạng xuyên biên giới, có thể không thống kê được.
Mọi người đều thấy, thời gian qua, sàn thương mại điện tử Temu quảng cáo rất rầm rộ. Hàng hóa bán trên đó giá giảm đến 70% so với mặt bằng chung và có thể khiến người tiêu dùng trong nước tập trung vào đó mua hàng. Đây là một cảnh báo, nguy cơ rất cao khiến sản xuất của chúng ta sẽ không còn thị trường trong nước nữa, các hàng hóa giá rẻ đó sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa.
Do đó, đề nghị Chính phủ phải có hành động ngay để kiểm soát đối với loại hàng hóa này. Đầu tiên là kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP. Hồ Chí Minh):
Tôi nghĩ rằng, mặc dù, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi bên ngoài, bởi xung đột chính trị, nhu cầu tiêu dùng của thế giới chậm lại… Nhưng sự quyết tâm chính trị cao của các cấp, ngành, các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2024; trong đó 15 chỉ tiêu đề ra đều đạt được, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7% là khả năng cao, cho thấy nền kinh tế phục hồi nhanh, khả năng chống chịu tốt.
Đặc biệt trong bối cảnh cơn bão số 3 vừa qua (bão Yagi), Việt Nam đã khắc phục rất tốt và hiện nay đang có những tín hiệu tích cực trong quý cuối năm.
Tôi rất có niềm tin về sự tăng trưởng, chất lượng điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp.