Bên lề Quốc hội: Cần xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo

Chia sẻ những quan điểm bên hành lang Kỳ họp ngày 20/11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; đồng thời tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đồng tình với dự án Luật Nhà giáo được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này. Đại biểu cho rằng, Luật Nhà giáo được thông qua thì lần đầu tiên trong lịch sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà có một luật riêng đủ tư cách pháp lý để điều chỉnh các hoạt động của nhà giáo. Vì nhà giáo là yếu tố then chốt trong đạo thầy trò - tôn sư trọng đạo, là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Vì bản chất của giáo dục luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển không ngừng để đạt đến tính hợp lý của nó.

“Việc chúng ta xây dựng và thảo luận Luật Nhà giáo đúng vào ngày nhà giáo hôm nay đã thể hiện một thái độ tôn vinh, trân trọng đối với hoạt động dạy học và mối quan hệ thiêng liêng của đạo thầy trò”, đại biểu Thích Thanh Quyết nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Quảng Ninh cũng tán thành với cấu trúc tổng thể và các chính sách trong dự thảo luật, đặc biệt là những quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ và việc bảo vệ nhà giáo, đây là điểm mới quan trọng. Thực tế hiện nay nhiều lúc, nhiều nơi có một số phụ huynh và người dân có những hành vi, thái độ rất không phù hợp với truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong luật quy định về chuẩn nhà giáo, đại biểu cho rằng rất hợp lý, nó là cách quản lý hiện đại, có chiều sâu.

Nói về thu nhập, đại biểu cho rằng lương của nhà giáo phải được tính toán, sắp xếp để dù ở khối trường công hay trường tư, ở thành thị, nông thôn hay miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người cũng có mức lương tương xứng, đủ sống, mới phát huy chuyên môn, tâm huyết, sở trường của mình. Việc này trong luật đưa ra những quy định là rất hợp lý. Theo đại biểu, tốt nhất là có một thang bảng lương riêng cho nhà giáo để cụ thể hóa quan điểm của Đảng và của Quốc hội.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo vẫn chưa tạo động lực mạnh mẽ, chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Theo đại biểu, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Từ thực tế đó, đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, bảo đảm mức lương cao hơn, rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, bảo đảm công bằng, hiệu quả.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), hiện đang áp bảng lương của viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Đặc biệt, cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác…

Nhiều đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ben-le-quoc-hoi-can-xay-dung-bang-luong-rieng-cho-nha-giao-20241120191718888.htm