Bên lề Quốc hội: Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh

Nghị quyết số 68-NQ/TW càng sớm được thể chế hóa thành quy định của pháp luật và được áp dụng trong thực tế thì 'lợi ích' mang lại cho xã hội, mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp mới được hiện thực.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/vnanet.vn

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/vnanet.vn

Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vừa được ban hành, hàng loạt chính sách về hỗ trợ tín dụng, đất đai, thuế, không hình sự hóa quan hệ kinh tế... được áp dụng với kinh tế tư nhân.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 19/5, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) để hiểu rõ hơn về những nhóm chính sách cũng như những lợi ích mà cộng đồng doanh nghiệp sẽ cần tận dụng để phát triển.

Phóng viên:Thưa ông, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội đã được ban hành và cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ra sao khi nghị quyết được thông qua?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Đây là việc làm thể hiện quyết tâm rất lớn, khẩn trương tạo hành lang pháp lý đầu tiên để triển khai thực hiện những chủ trương của Đảng, cụ thể là Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Để thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị phải sửa đổi các luật và các nghị định có liên quan. Khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, Chính phủ và Quốc hội đã quán triệt tinh thần ngay cả khi 30 luật đã và đang trình Quốc hội cũng cần thể chế hóa ngay lập tức. Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ đã khẩn trương trình ngay để Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội và đây là văn bản quy phạm pháp luật tạo căn cứ cho Chính phủ kịp thời thể chế hóa ngay một số nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Như vậy, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội ra đời là thể chế hóa ngay những nội dung có thể sửa được bằng một vài điều khoản mang tính chất quy phạm trong nghị quyết. Ngoài ra, nghị quyết này còn có những điều khoản định hướng, tạo cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục sửa đổi hệ thống luật pháp có liên quan.
Việc ra đời của Nghị quyết số 198/2025/QH15 đã hiện thực hóa ngay được một số nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW và sẽ được áp dụng ngay khi Quốc hội thông qua.

Phóng viên: Ông đánh giá như thể nào khi Chính phủ, Quốc hội đã khẩn trương vào cuộc để thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW, tạo căn cứ cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng, tinh thần quyết liệt này rất tốt nếu như được duy trì và phát huy trong thời gian tiếp theo trong việc thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Như vậy, tinh thần nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị càng sớm được thể chế hóa thành quy định của pháp luật và được áp dụng trong thực tế thì rõ ràng “lợi ích” mang lại cho xã hội, mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp mới được hiện thực.
Tôi mong muốn, tinh thần này tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa ở Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương. Bởi, tất cả các cơ quan này trong phạm vi thẩm quyền của mình đều có trách nhiệm trong việc thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội.
Tôi đánh giá rất cao Hội nghị của Bộ Chính trị tổ chức quán triệt nội dung và tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Hội nghị này rất quan trọng nhưng đó cũng chỉ là bước khởi đầu. Tôi mong muốn các cơ quan có liên quan, cá nhân, các công chức và thậm chí cả doanh nghiệp cần hiểu rõ tinh thần, nội dung của nghị quyết. Bởi, doanh nghiệp cũng là một chủ thể để thực thi và phản biện lại quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết và như vậy, nghị quyết mới đi vào cuộc sống.

Gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm rau quả, sản phẩm cà phê, sản phẩm gạo, sản phẩm tôm, sản phẩm cá tra và hạt tiêu là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm rau quả, sản phẩm cà phê, sản phẩm gạo, sản phẩm tôm, sản phẩm cá tra và hạt tiêu là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Phóng viên:Hiện nay, cả hệ thống chính trị đang khẩn trương sửa đổi và hoàn thiện hệ thống thể chế. Vậy, ông đánh giá thế nào về năng lực của các doanh nghiệp tư nhân hiện nay, đặc biệt là trong việc các doanh nghiệp tham gia vào đấu thầu các dự án; trong đó, có những dự án mang tầm quan trọng của đất nước?

Đại biểu Phan Đức Hiếu: Cải cách thể chế theo tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội được thực thi một cách mạnh mẽ thì đồng nghĩa rằng, câu chuyện cạnh tranh trên thị trường, giữa các doanh nghiệp trở nên lớn mạnh hơn và thậm chí khốc liệt hơn trước.
Trước đây, khi doanh nghiệp thực hiện một thủ tục hay xin giấy phép thành lập là một việc khó nhưng đôi khi đối với những doanh nghiệp xin được giấy phép lại trở thành “bùa” bảo hộ cho chính doanh nghiệp thoát khỏi sự cạnh tranh của doanh nghiệp khác.
Nhưng đến nay những “điểm nghẽn” đó dần được tháo gỡ, các doanh nghiệp khác mới có ý tưởng kinh doanh, có năng lực, có sáng tạo thì sẵn sàng và dễ dàng gia nhập thị trường, cạnh tranh với những doanh nghiệp đã và đang tồn tại.
Tôi cho rằng, áp lực cạnh tranh lớn, cơ hội đào thải lớn nhưng kèm theo đó là “cơ hội” bứt phá vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, nếu như doanh nghiệp có chất lượng, có sáng tạo và năng lực tốt. Như vậy, doanh nghiệp hiện nay buộc phải đổi mới, tham gia vào cuộc cạnh tranh, còn nếu không cũng sẽ bị đào thải. Khi đó, sẽ xuất hiện những “cơ hội” cho doanh nghiệp mới bứt phá, vươn lên.
Như vậy, toàn bộ tinh thần của Nghị quyết số 198/2025/QH15 nhằm thúc đẩy cạnh tranh nhưng cũng đồng thời tạo ra cơ hội cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chẳng hạn, theo tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 198/2025/QH15, những gói thầu xây lắp với trị giá 20 tỷ đồng hiện nay là dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này khác với trước đây, khi đưa ra một gói thầu mà không phân biệt doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, kết quả thắng thầu đương nhiên sẽ thuộc về những doanh nghiệp lớn.
Hiện nay theo quy định của nghị quyết, chúng ta khu trú lại những gói thầu nào, phạm vi nào thì sẽ thực hiện hiện đấu thầu trong phạm vi quy mô của doanh nghiệp đó. Điều này đảm bảo tính công bằng và tạo được cơ hội cho các doanh nghiệp.
Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 198/2025/QH15 đã mạnh dạn đưa ra những thể chế, tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để dần dần từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá để trở thành những doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng của khu vực.
Nếu như Nhà nước thực sự khách quan, thực sự công bằng, thực sự công khai, thực sự minh bạch, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với những định chế này sẽ tạo ra những “cơ hội” rất tốt cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên lớn mạnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thúy Hiền (Thực hiện)/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-co-hoi-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-lon-manh/374114.html