Bên lề Quốc hội: Kiểm soát vàng, giá vé máy bay tăng

Những biến động bất thường của thị trường vàng và giá vé máy bay trong thời gian vừa qua là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thảo luận tại Tổ trong phiên họp sáng 23/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu xung quanh nội dung này.
* Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đưa giá vàng trong nước về ngang giá thế giới
Giá vàng thế giới tăng thì trong nước cũng tăng nhưng giá vàng trong nước ngày càng chênh lệch lớn so với thế giới. Giá vàng tăng cao không ảnh hưởng ngay đến chỉ số giá nhưng sẽ tác động đến nhiều yếu tố. Giá vàng "nhảy múa" khiến tâm lý người dân sẽ ảnh hưởng, có tâm lý không gửi ngân hàng mà chuyển sang các lĩnh vực khác như có thời điểm người dân xếp hàng dài mua vàng. Tôi cho rằng, cần thiết phải kịp thời xử lý điều hành để đưa giá vàng trong nước về ngang giá thế giới.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Về dài hạn, phải sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vì chính Nghị định này đang sinh ra tác động “ngược”. Đồng thời, các giải pháp trước mắt cũng phải rất linh hoạt. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng để tăng cung nhằm giảm giá nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng hơn.
Muốn kéo giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới thì phải đưa giá tham chiếu tương đương giá quốc tế (giá nhập khẩu) cộng thêm thuế, phí… Ngân hàng Nhà nước sẽ là đơn vị đứng ra như là đầu mối nhập khẩu. Nhưng không có nghĩa chúng ta phải nhập khẩu trực tiếp vàng vật chất mà tất cả người mua có thể mua theo giá tham chiếu đó, số lượng mua đó sẽ lưu ký vào Ngân hàng Nhà nước.
Nếu mục tiêu để giảm giá vàng trong nước với giá vàng thế giới thì giá tham chiếu đấu giá vàng bằng giá vàng thế giới cộng thuế, phí cộng nhu cầu và phải đấu thầu ngược. Tức là khi nào mua vàng xong phải bán sát nhất với giá tham chiếu khi đề xuất đấu thầu.
Cùng đó, cần xem xét phát hành các chứng chỉ vàng. Theo đó, người dân có thể mua vàng bao nhiêu cũng được với giá tham chiếu đưa ra và số vàng đó cứ để ở Ngân hàng Nhà nước. Khi đó, người mua vàng không phải mất công giữ vàng đồng thời cũng điều chỉnh được giá vàng trong nước về ngang với thế giới. Điều cần thiết là phải điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng.
* Đại biểu Phạm Đức Ấn: Vàng biến động ảnh hưởng đến tỷ giá
Thời gian vừa qua, giá vàng tăng quá bất thường. Giá vàng rất quan trọng bởi khi vàng biến động sẽ ảnh hưởng nhiều đến bài toán về tỷ giá. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế thì các nhà đầu tư Việt Nam mất nhiều hơn được và có nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế. Do đó, cần có đánh giá trên nhiều khía cạnh để có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng nhằm giảm thiểu việc giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá.

Đại biểu Phạm Đức Ấn. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Phạm Đức Ấn. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đây là vấn đề “kỹ thuật” nhưng ở mức độ nhất định vẫn cần trình Chính phủ xem xét để có những giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý thị trường vàng; tránh tình trạng chênh lệch cao giữa thị trường trong nước và thế giới.
Việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu giá vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh “vàng hóa" nền kinh tế.
* Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Giá vé máy tăng kéo theo nhiều hệ lụy
Giá vé máy bay tăng cao thời gian qua cũng là vấn đề cần xem xét để có các biện pháp điều chỉnh. Khi giá vé má bay tăng đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm nhu cầu đi lại, giảm số lượng khách du lịch. Điều này còn ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân trong các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn…

Đại biểu Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nếu so sánh, đường bay tương đương của Thái Lan rẻ hơn chúng ta rất nhiều. Phải tìm các nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan khiến giá vé máy bay tăng cao như vậy. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là yếu tố cạnh tranh, chi phí bảo trì ở nước ngoài rất cao, thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch…

Hàng không và du lịch cũng có hợp tác nhưng đa phần “mạnh ai nấy làm”, không có cách thức rủi ro chia sẻ nên giá vé máy bay quá cao đã ảnh hưởng nhiều đến phát triển du lịch, đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Do đó, chúng ta nhất thiết phải hạ giá vé máy bay để phát triển du lịch. Trước thực trạng này, cần có những giải pháp cụ thể. Đơn cử như có gói hỗ trợ cho ngành hàng không - du lịch để giảm giá hay những hỗ trợ phí dịch vụ tại các sân bay, đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam... Bên cạnh đó, ngành du lịch và hàng không cũng có liên quan đến câu chuyện giá máy bay, đòi hỏi sự hợp tác lẫn nhau. Nếu chỉ nghĩ hàng không tăng vé có lợi cho ngành nhưng không nghĩ đến việc này có hại cho các lĩnh vực khác thì sẽ rất khó. Do đó, hàng không, nhà hàng, khách sạn đều có liên quan đến nhau và nên hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra các “combo” du lịch để hạ giá vé máy bay. Điều này không chỉ tốt cho du lịch mà còn tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thu Hằng-Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-kiem-soat-vang-gia-ve-may-bay-tang/334099.html