Bên lề Quốc hội: Mong muốn Bộ trưởng Công Thương thực hiện đúng cam kết sau chất vấn
Sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục giải trình trước Quốc hội nhiều vấn đề 'nóng' của ngành.
Nhiều câu hỏi liên quan đến các dự án điện, nhiệt điện chậm triển khai gây bức xúc trong xã hội được các đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận đến cùng với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại các ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận): Hoàn thiện hệ thống truyền tải điện
Qua theo dõi phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề "nóng" của ngành công thương đối với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Tôi cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thể hiện nắm vấn đề rất chắc và giải trình một cách rõ ràng theo đúng câu hỏi mà các đại biểu đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã nhận trách nhiệm đối với các mặt hạn chế của ngành. Nhưng, vấn đề tôi quan tâm là sau khi kết thúc phần chất vấn thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần thực hiện đúng các cam kết trước Quốc hội.
Tôi cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về điểm nghẽn trong hệ thống truyền tải điện hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Việc này cũng làm hạn chế đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã đi vào vận hành nhưng hiện chưa đạt được công suất tối đa, gây lãng phí về nguồn lực, đầu tư.
Vấn đề này Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã trả lời trong thời gian tới sẽ có giải pháp để cải tạo và nâng cấp hệ thống truyền tải, để đến cuối năm 2020 sẽ giải quyết được vấn đề này.
Tôi cũng đã đặt vấn đề về việc xã hội hóa để đầu tư vào hệ thống truyền tải, tất nhiên vấn đề này phải có cơ chế chính sách và phải xin ý kiến của Chính phủ, Quốc hội. Bên cạnh đó, phải làm sao để huy động được nguồn lực xã hội hóa cùng với nguồn lực của nhà nước, đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện, đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống năng lượng tái tạo.
Theo quy định thì hệ thống truyền tải điện do Nhà nước quản lý, nhưng tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể góp vốn đầu tư và Tâp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn quản lý vận hành hệ thống độc quyền. Để giải quyết vấn đề này, theo tôi cần phải tính toán và có cơ chế quản lý cụ thể để vừa đảm bảo huy động được nguồn vốn từ xã hội hóa, vừa đảm bảo được EVN vẫn quản lý và vận hành hệ thống. Bởi đây là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
Vấn đề đặt ra là làm sao phải huy động được nguồn vốn và cơ chế tài chính đối với nhà đầu tư như thế nào thì cần phải tính toán. Do đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần phải phối hợp, tính toán để trình Chính phủ cho chủ trương cụ thể.
Thực tế tại Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Bình Thuận cũng đã được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng quốc gia. Với tiềm năng đó, Bình Thuận cũng đã có nhiều chính sách để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện nay Bình Thuận vẫn đang gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch điện năng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng được nhu cầu. Cho nên, vấn đề quy hoạch điện năng và hệ thống truyền tải điện đang là vấn đề bức xúc tại Bình Thuận. Vấn đề này, Bình Thuận đang mong chờ Bộ Công Thương giải quyết để tỉnh Bình Thuận có thể đóng góp được vào hệ thống điện quốc gia. Từ đó, góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh cũng như quốc gia.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): Có giải pháp để phát triển thương mại điện tử
Tôi cho rằng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời đủ, đúng và cố gắng cung cấp nhiều thông tin cho đại biểu, ví dụ những vấn đề nóng về năng lượng tái tạo, hàng giả hàng nhái. Nhưng, cũng có những phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mà tôi cũng như nhiều đại biểu khác chưa thật sự thỏa mãn. Sau phần trả lời chất vấn này, tôi hy vọng Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ có những văn bản trả lời một cách đầy đủ nhất đối với các đại biểu.
Tôi cũng có đặt câu hỏi riêng cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về vấn đề thương mại điện tử đang phát triển rất là mạnh mẽ, nhưng cơ chế pháp lý hiện nay chưa theo kịp với thực tế. Vấn đề này, tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Công Thương tham mưu cho Thủ tướng để đưa ra các giải pháp phát triển lĩnh vực thương mại điện tử tốt hơn. Bên cạnh đó, ngành công thương cũng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý lĩnh vực thương mại điện tử./.