Bên lề Quốc hội: Rà soát để hoàn thiện chính sách phát triển nhà ở xã hội
Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát lại và điều chỉnh một số điểm trong chính sách để đảm bảo việc phát triển nhà ở xã hội đi đúng hướng, về đích đúng thời hạn.
Đề án phát triển nhà ở xã hội đang được Chính phủ và các địa phương nỗ lực thực hiện với nhiều chính sách ưu đãi về tài chính và quỹ đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội hiện nay chưa đủ mạnh để cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát lại và điều chỉnh một số điểm trong chính sách để đảm bảo việc phát triển nhà ở xã hội đi đúng hướng, về đích đúng thời hạn.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đánh giá, chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay về cơ bản đã rõ ràng, đã có chính sách ưu đãi về nguồn vốn, ưu đãi về quỹ đất và nhiều ưu đãi khác để triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại về cơ bản các địa phương chưa cung cấp được các sản phẩm nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu thực như kỳ vọng. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân vẫn đang rất lớn. Người dân vẫn đang trông chờ để được đáp ứng nguyện vọng chính đáng về nhu cầu ăn ở, sinh hoạt.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) trả lời phỏng vấn. Ảnh: Hải Ngọc - TTXVN
Do đó, theo đại biểu, cần xem xét, đánh giá và rà soát lại chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay để chỉ ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhằm giải quyết một cách có hiệu quả những vướng mắc đang tạo ra rào cản trong quá trình thực hiện xây dựng nhà ở xã hội ở nước ta hiện nay.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, không thể phủ nhận việc thúc đẩy và thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội ở nước ta đang được rất nhiều địa phương thực hiện tốt, nhất là tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp hoạt động; nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề cần phải làm rõ để đảm bảo chính sách phát triển nhà ở xã hội phục vụ cho lợi ích chính đáng của đông đảo người dân. Đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá, tính chất xã hội và tính chất thương mại trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại nước ta có thể chưa thực sự cụ thể, rõ ràng. Thực tế cho thấy, nhiều khu nhà ở ban đầu được xây dựng nhằm mục đích phục vụ người dân theo chủ trương phát triển nhà ở xã hội nhưng sau một thời gian, những khu nhà này lại biến thành nhà ở thương mại. Việc này vô hình trung đã khiến những người có nhu cầu thực sự về nhà ở thiệt thòi, gặp khó khăn trong trong vấn đề an cư; người có thu nhập thấp sẽ khó có thể mua, sở hữu một căn nhà.
Trong khi một nhóm người khác trong xã hội lại vụ lợi vì họ đã thông qua việc trục lợi chính sách để thu lợi nhuận... Do đó, cần phải rà soát, đánh giá đúng tính chất xã hội và thương mại trong chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay. Nếu là chủ trương liên quan đến kinh doanh, thương mại thì phải tuân theo các quy luật điều tiết của thị trường. Nhưng khi liên quan đến yếu tố xã hội, có nghĩa là loại nhà ở này chỉ phục vụ cho những đối tượng có nhu cầu về nhà ở cấp bách, chưa có khả năng mua vì thu nhập thấp thì Nhà nước phải đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận nhà ở xã hội.
Do vậy, phải nghiên cứu đến phương án xây nhà với các dịch vụ vừa phải, đủ để sinh hoạt ở mức trung bình và cho những người thu nhập thấp thuê lại với mức giá vừa phải, phù hợp với thu nhập của họ thay vì bán luôn cho họ với một mức giá nào đó. Sau một thời gian nhất định, những người có thu nhập thấp được thuê nhà ở xã hội với giá thành vừa phải sẽ tích lũy được một khoản tiền nhất định.
Khi đó, họ có khả năng mua được nhà ở thương mại, họ sẽ trả lại nhà đang thuê để những người kế tiếp đến thuê và sinh sống. Và sau một khoảng thời gian, những người thuê kế tiếp lại tích lũy được một khoản tài chính và mua nhà ở nơi khác, trả lại nhà để những người khác đến thuê. Cứ như vậy, những người thu nhập thấp với sự trợ giúp của Nhà nước sẽ từng bước tiếp cận để sở hữu căn nhà cho riêng mình.
Điều đó có nghĩa là trong chính sách phát triển nhà ở xã hội cần xác định rõ, nhà ở xã hội là loại nhà ở chỉ dành cho những đối tượng thu nhập thấp với mức sống vừa phải và đang có nhu cầu thực sự về nơi ăn, chốn ở. Nhà ở xã hội không phải là loại nhà thương mại được xây dựng để rồi bán ra thị trường như những loại nhà ở khác.
Khi đó, những người có nhu cầu thực sự nhưng có thu nhập thấp sẽ rất khó tiếp cận nhà ở vì nguồn cung hạn chế trong khi giá thành cũng vượt quá khả năng chi trả. Do đó, cần phải xem xét rạch ròi tính chất thương mại và tính chất xã hội trong việc thực hiện thúc đẩy chính sách nhà ở xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét phát triển các loại nhà ở với nhiều phân khúc khác nhau để người dân tùy theo khả năng tài chính của mình tiếp cận và lựa chọn dễ dàng hơn. Vai trò của Nhà nước lúc này là lập quy hoạch, cung cấp quỹ đất thực hiện dự án. Vấn đề còn lại sẽ được các doanh nghiệp đảm nhiệm. Nếu thực hiện được như trên, việc thúc đẩy thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội ở nước ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và sẽ đáp ứng được nhu cầu thực sự của những đối tượng đang có nhu cầu nhà ở thực sự cấp bách. Đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ quan điểm cần xem xét, rà soát lại chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay để kịp thời điều chỉnh để chính sách đi đúng hướng, phát huy tác dụng, phục vụ lợi ích căn bản của người dân.