Kiến nghị giải pháp mạnh tay để 'cứu' nhà ở xã hội

Phát triển nhà ở xã hội còn nhiều điểm nghẽn cả về thể chế, tài chính lẫn thực thi, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất loạt giải pháp mạnh nhằm tháo gỡ căn cơ những tồn tại này.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) ngày 19-5 đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về công tác phát triển nhà ở xã hội, trong đó chỉ ra những điểm nghẽn và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

 Một dự án nhà ở xã hội. Ảnh: CTV

Một dự án nhà ở xã hội. Ảnh: CTV

Những điểm nghẽn...

VNREA cho biết một số địa phương chưa quan tâm đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch hàng năm và 5 năm. Tiếp đó là cơ chế ưu đãi các nhà đầu tư nhà ở xã hội chưa đủ lực hút. Theo VNREA, việc quy định lợi nhuận 10% dành cho nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội là quá thấp trong bối cảnh chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công liên tục biến động.

Bên cạnh đó, nhiều dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý, chưa được địa phương hỗ trợ về giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng. Một số tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư như bố trí ngân sách cho bồi thường, tái định cư, hoặc hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu.

Cũng theo VNREA, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024 đã trao quyền cho địa phương trong việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, tuy nhiên, các điều kiện áp dụng chưa rõ ràng khiến địa phương lúng túng.

Bên cạnh đó, quỹ đất nhà ở xã hội hiện nay còn bị đặt ở vị trí xa trung tâm, hạ tầng yếu, không thuận tiện giao thông. Quỹ đất do doanh nghiệp sở hữu nếu muốn chuyển đổi mục đích để phát triển nhà ở xã hội thì chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, giá trị đất… dẫn tới ách tắc triển khai.

Với các thủ tục liên quan đến nhà ở xã hội, VNREA cho biết còn phức tạp, thiếu đồng bộ khiến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài, nhiều nơi mất hơn 2 năm để hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Về nguồn vốn triển khai, VNREA cho biết nhiều gói tín dụng hỗ trợ chỉ mang tính ngắn hạn, chưa có tính bền vững do thiếu sự đa dạng nguồn vốn và thiếu vốn từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, lãi suất vay thương mại cao, thời hạn vay ngắn khiến cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà đều chùn bước.

Không chỉ doanh nghiệp, người dân thu nhập thấp cũng khó tiếp cận vốn vay ưu đãi do vướng điều kiện chứng minh tài chính. "Người vay chỉ được hỗ trợ tối đa 80% giá trị căn hộ, còn lại phải có vốn tự có - điều mà không phải ai cũng đáp ứng được. Thậm chí, lao động tự do còn gặp khó vì địa phương không có hướng dẫn xác nhận mức thu nhập, gây trở ngại trong hồ sơ mua nhà" - theo VNREA.

Chưa kể tình trạng "cò" mua bán nhà ở xã hội, mua bán suất chênh lệch... cũng gây nhiễu loạn, bức xúc cho người dân.

Tăng phân khúc nhà ở xã hội phù hợp cho lao động trẻ dưới 35 tuổi

Theo VNREA, các địa phương cần xác định nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở hợp với thu nhập người dân có nhu cầu ở thực; lập kế hoạch phát triển với các chỉ tiêu cụ thể, tiến độ đáp ứng và coi đây là chỉ tiêu quan trọng về chính sách an sinh xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, ưu tiên trong quy hoạch đất và tạo lập mặt bằng sạch cho dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, địa phương ban hành cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút nhà đầu tư đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và người dân tiếp cận được mua nhà ở xã hội.

Đồng thời nghiên cứu mô hình mua trả góp 23-25 năm để giảm áp lực tài chính cho người lao động. Bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và một số hạ tầng xã hội thiết yếu trong dự án nhà ở xã hội.

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Xây dựng chủ trì có các phương án, giải pháp cụ thể để ổn định, giảm mặt bằng giá BĐS. Trong đó, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, quy hoạch, quỹ đất, định giá đất, chuyển nhượng dự án BĐS, cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội nhằm góp phần giảm chênh lệch phân khúc nhà ở và tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng định hướng để phát triển cân bằng các phân khúc thị trường BĐS, chú trọng phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp thu nhập người dân nhu cầu ở thực, nhà ở cho người lao động trẻ dưới 35 tuổi.

Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS, để nhanh đáp ứng đưa sản phẩm vào sử dụng, tăng thu nguồn ngân sách nhà nước và địa phương. Kiên quyết chống lãng phí, nhất là lĩnh vực đất đai, bất động sản, tài sản công, đầu tư công... để tăng thu, tạo điều kiện cho thị trường BĐS, đất đai phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Ngành xây dựng cần cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó, hoàn thành thủ tục xây dựng nhà ở xã hội dưới 12 tháng. Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng cò mồi, thổi giá, đấu giá bất thường...

VNREA đề xuất chuyển đổi quỹ nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư... sang nhà ở xã hội, đưa quỹ đất của doanh nghiệp đang có quyền sử dụng vào đầu tư nhà ở xã hội.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kien-nghi-giai-phap-manh-tay-de-cuu-nha-o-xa-hoi-post850567.html