Bến Lức tuyên truyền người dân cảnh giác với Hội thánh Đức chúa trời mẹ
Trước tình trạng một số người dân có xu hướng tham gia Hội thánh Đức chúa trời mẹ, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chỉ đạo các ngành trong khối văn hóa, tư tưởng tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua đó, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân.
Các ngành tăng cường tuyên truyền Luật Tín ngưỡng Tôn giáo tại các địa phương, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng về những thủ đoạn lừa bịp, phản khoa học, trái thuần phong, mỹ tục dân tộc của Hội thánh Đức chúa trời mẹ. Đối tượng tuyên truyền là nông dân, người cao tuổi,...
Bà Vũ Thị Mười (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) cho biết: “Qua tuyên truyền, tôi nâng cao cảnh giác khi có người tiếp cận truyền đạo trái phép. Tôn giáo mà tuyên truyền người theo đạo phải đập bỏ bát hương, từ bỏ phụ mẫu, con cái hay không được sinh con thì tôn giáo đó là phản khoa học, phản văn hóa".
Bên cạnh tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, KT-XH, thời điểm này, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện cũng tập trung tuyên truyền về những tác động tiêu cực của tổ chức tôn giáo tự xưng này đến với người dân qua các bản tin phát thanh, trang thông tin điện tử huyện và các trang mạng xã hội.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Khởi cho biết: “Trung tâm phối hợp cơ quan chức năng trong huyện và chỉ đạo phóng viên được phân công phụ trách địa bàn phải thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời phản ánh những tác động tiêu cực cũng như hoạt động của Hội thánh Đức chúa trời mẹ trên địa bàn để người dân biết, đề cao cảnh giác, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia".
Cùng với các hình thức tuyên truyền, huyện có công văn chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái phép này. Công an huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp và các hội, đoàn thể xử lý hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, có nội dung trái với nếp sống văn hóa, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và an ninh, trật tự tại địa phương./.