'BẾN MƠ' Mối ân tình sâu lắng

Trần Lệ Huyền tên thật là Trần Thị Lệ Huyền, sinh năm 1972, quê ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức), là hội viên Câu lạc bộ thơ Trà Giang, Hội viên Câu lạc bộ thơ Đường luật Quảng Ngãi. Thơ của chị mang đậm chất nhân văn, dung dị mà sâu lắng, thể hiện tấm lòng yêu quê hương, yêu con người và thiên nhiên tha thiết. Với phong cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc, Trần Lệ Huyền đã để lại

Tập thơ “Bến mơ” gồm 90 bài thơ với nhiều thể thơ và nhiều đề tài khác nhau: Đề tài về mẹ, về chồng, về con, về quê hương, về nghề giáo, về tình yêu lứa đôi và cảnh quan thiên nhiên...

Trong tập thơ “Bến mơ”, Trần Lệ Huyền đã dành nhiều trang viết để trải lòng về chính mình, đặc biệt là những năm tháng gắn bó với nghề giáo. Tình yêu thương mà cô giáo dành cho học sinh được nhắc đến trong bài thơ “Nghề của em” thật đẹp, đó không chỉ là cảm xúc của cá nhân mà còn là biểu tượng cho lòng nhân ái, sự hy sinh của tất cả thầy cô giáo mọi thời đại nói chung. “Gánh giá đông cõng nắng hạ rực hồng/ Đem giáo án vào mơ trong giấc ngủ/ Mặc dông bão hay mưa dầm gió hú/ Dạy em thơ ấp ủ mộng vào đời” (Nghề của em). Hình ảnh ẩn dụ “Gánh giá đông cõng nắng hạ” đã làm nổi bật hình ảnh một cô giáo với sự tận tụy không ngừng nghỉ. Cô giáo không chỉ đối mặt với những thử thách từ thiên nhiên khắc nghiệt “dông bão, mưa dầm gió hú,” mà còn hy sinh cả thời gian, sức khỏe và cả những giấc mơ riêng để vun đắp cho học trò. Những bài giảng không chỉ là tri thức mà còn là cả tâm hồn, là niềm tin, là tình yêu mà cô gửi gắm vào từng chữ, từng lời đến học sinh.

Còn viết về người chồng, viết về con, Trần Lệ Huyền viết rất chân thật. Đây là những vần thơ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đến gia đình, những tâm sự và tiếng lòng của tác giả gửi đến chồng - người đã tạo điều kiện và mang lại cảm xúc cho tác giả sáng tạo thơ ca. “Bên hiên thềm ngày quốc tế đàn ông/ Em chẳng có hoa hồng mang gởi tặng/ Trao tất cả mối ân tình sâu lắng/ Suốt cuộc đời mãi mãi chẳng rời xa” (Người đàn ông của em). Khổ thơ đã nhấn mạnh sự thủy chung và tình yêu bền chặt. Câu thơ “Trao tất cả mối ân tình sâu lắng” không chỉ thể hiện sự yêu thương mà còn bao hàm cả sự trân trọng, biết ơn người đàn ông đã đồng hành cùng mình.

Bìa tập thơ "Bến mơ"

Bìa tập thơ "Bến mơ"

Viết về mẹ, chị luôn gửi trọn vào đó bao tình yêu, tình thương ấm áp ngọt ngào, chị thừa hưởng nơi mẹ tình yêu da diết. “Trả nghĩa mẹ biết bao nhiêu là đủ/ Giọt sữa lành cho con bú tuổi thơ/ Tình rộng sâu tựa biển nước vô bờ/ Trao con dại những ước mơ cao cả” (Tặng mẹ tình con). Khổ thơ đậm chất nhân văn ánh lên lòng biết ơn chân thành và đậm nét sau câu chữ. Đó không chỉ là nỗi lòng của riêng tác giả mà còn là tiếng lòng của biết bao người con trong cuộc đời này.

Tình yêu thương dành cho mẹ cũng chính là cội nguồn của tình yêu quê hương, đất nước. Viết về quê hương, tác giả không chỉ bày tỏ niềm tự hào mà còn thể hiện tình yêu sâu sắc đối với mảnh đất quê nhà. “Quảng Ngãi ơi lòng ta quá tự hào/ Đường rực rỡ như ngàn sao lấp lánh/ Từng hẻm ngõ đẹp lung linh ngàn cảnh/ Hẹn người về cùng sánh bước yêu thương” (Xuân về trên quê hương).

Từ tình yêu làng quê nơi mình sinh ra, Trần Lệ Huyền mở rộng cảm xúc đến mọi miền đất nước. Đến đâu chị không chỉ ghi lại cảnh sắc mà còn thổi hồn vào không gian, để lại trong lòng người đọc một cảm giác thân thuộc, yêu mến quê hương, đất nước hơn bao giờ hết: “Nơi phố núi thật êm đềm mát mẻ/ Cảnh Kon Tum tựa bức vẽ sơn mài/ Hạt sương mù rơi nhè nhẹ ban mai / Tô thêm dáng trang đài xinh lộng lẫy” (Tạm biệt Kon Tum). Cảnh sắc Kon Tum hiện lên êm đềm, thơ mộng, như một bức tranh sơn mài được điểm tô bởi sương mù huyền ảo ban mai. Khổ thơ không chỉ tái hiện cảnh đẹp, mà còn gợi lên cái hồn của vùng đất cao nguyên dịu dàng mà sâu lắng. Khi đến Đà Nẵng, nhịp thơ lại trở nên khoáng đạt, tràn đầy sức sống. Hình ảnh biển Mỹ Khê, Đà Nẵng hiện lên thật đẹp: “Biến xanh cát trắng điểm tô/ Mỹ Khê mặt nước nhấp nhô trong lành” (Đà Nẵng ta về).

Đọc tập thơ “Bến mơ” ta thấy đề tài chiếm dung lượng nhiều vẫn là thơ viết về tình yêu lứa đôi. Tình yêu lứa đôi trong thơ của Trần Lệ Huyền có nhiều cung bậc cảm xúc, khi nồng nàn say đắm, lúc da diết nhớ thương, cũng có lúc man mác buồn... như bài “Lạc nhau”, “Hẹn ước”, “Tình viễn xứ”, “Đừng nhắc tên nhau”... Có những bài thơ như lời thủ thỉ của một người con gái đang yêu, dịu dàng và hạnh phúc. Nhưng cũng có những vần thơ nhuốm màu hoài niệm, gợi lên những cuộc tình dang dở, nhưng đẹp: “Lạc nhau rồi trên đường đời cô quạnh/ Nên tình đầu vẫn đẹp mãi như tranh” (Bến mơ).

“Bến mơ” là một tập thơ đầy đặn, giàu cảm xúc, nội dung phong phú, nhiều câu thơ đẹp, nhiều bài thơ hay, để lại dư âm trong tâm trí người đọc. Cả 90 bài thơ tựa như 90 đóa hoa xinh xắn, bình dị, khiêm nhường, dịu dàng, thầm lặng, khe khẽ dâng hương, lan tỏa cái đẹp cho đời.

PHẠM VĂN HOANH

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/ben-mo-moi-an-tinh-sau-lang-52542.htm