Bến Tre: 18 km bờ biển bị sạt lở, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân sống. Với chiều dài 65 km bờ biển, tỉnh Bến Tre hiện có 18 km bờ biển ở các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại bị sạt lở, gây mất đất sản xuất, cây rừng và nhà cửa, hoa màu của người dân bị cuốn trôi theo sóng biển.
Tại khu vực cồn Nhàn, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, chỉ tính trong 4 năm gần đây, xâm thực đã khiến bờ biển bị xói lở mất hơn 200m đất, nhiều diện tích rừng bị chết chỉ còn trơ trọi gốc cây nằm ngổn ngang trên bãi biển. Không những vậy, sạt lở còn làm cho người dân ngày đêm bất an, phập phòng lo sợ bởi có thể gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và sản xuất. Hơn nữa, sạt lở đã làm cho nhiều hộ rơi vào cảnh mất nhà, phải liên tục di chuyển chỗ ở, không ổn định sản xuất, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Chị Bùi Thị Mến, trú tại ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho biết, trước đây, gia đình có hơn 1 ha đất giồng giáp biển để trồng màu nhưng đã bị sạt lở cuốn trôi gần hết. Cách đây khoảng một tháng, gia đình vừa di dời nhà ra khỏi vùng sạt nhưng bây giờ lại tiếp âu lo khi sạt lở đang ngày càng lấn sâu vào phía nhà.
"Trong 10 năm qua, gia đình đã phải di dời nhà 3 lần để “chạy lở”, giờ chỉ còn khoảng 1 công đất (1.000m2) nhưng cũng không làm gì được vì chỉ toàn cỏ và nước. Hiện gia đình phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Mỗi lần di dời là phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để cất nhà. Thời điểm mùa gió chướng cuối năm nay, nếu sóng tiếp tục tràn vào nữa chắc chỉ phải bỏ đi nơi khác để ở nhờ", chị Mến chia sẻ.
Ông Võ Văn Soài, trú tại ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho hay, trước đây rừng phi lao ở khu vực rất nhiều nhưng bị sóng biển dập chết gần hết. Hồi trước, cồn Nhàn nằm ở phía ngoài nhưng bờ biển bị xâm thực đẩy vào bên trong hàng trăm mét.
Những năm qua, để hạn chế sạt lở, người dân địa phương đã dùng cây, bơm cát tự gia cố bờ bao để chắn sóng tạm thời. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế trong khi chờ xây dựng công trình kè ngăn sạt lở mang tính bền vững hơn.
Theo ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, khu vực cồn Nhàn (xã Bảo Thuận) bị sạt lở hàng chục năm nay. Hàng năm, xâm thực khiến bờ biển bị xói lở mất khoảng 100 - 150m đất, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Tại cồn Nhàn, có 68 hộ bị hưởng của sạt lở bờ biển; trong đó, có 31 hộ dân bị thiệt hại trực tiếp, chủ yếu là mất đất sản xuất. Nhiều nhà của người dân bị sóng biển đánh sập phải di dời vào đất liền. Ngoài ra, còn có 21 ha đất trồng màu của người dân bị mất hoàn toàn do xâm thực.
Cũng theo ông Khổng Minh Tặng, thời gian qua, việc hỗ trợ cho người dân bị sạt lở của địa phương rất hạn chế do kinh phí không có nên chủ yếu vận động người dân tự gia cố đê bao để chắn sóng tạm thời để bảo tài sản.
Giám đốc Ban Quản lý Dự đầu tư xây các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho hay, bờ biển khu vực huyện Ba Tri dài khoảng 12km, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở với chiều dài hơn 8 km. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực.
Qua thống kê, có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 5.068 m. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành 1.228m kè chống sạt lở bờ biển (trong tổng số 5.068m bờ biển bị sạt lở) thuộc 3 dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 85 tỷ đồng. Các tuyến kè đã đầu tư với kết cấu kè mái nghiêng bằng bê tông cốt thép.
Ông Nguyễn Văn Điền thông tin, hiện còn khoảng gần 3.840 m bờ biển bị sạt lở chưa được đầu tư kè chống sạt lở. Do đó, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 100 tỷ đồng để triển khai đầu tư khẩn cấp 1.020m đoạn sạt lở xung yếu khu vực cồn Nhàn, xã Bảo Thuận (đoạn nối tiếp với các đoạn kè đã đầu tư) nhằm khắc phục sạt lở khu vực, khép kín tuyến kè đã đầu tư để tăng khả năng, hiệu quả bảo vệ lâu dài.
Ngoài huyện Ba Tri, sạt lở tại khu vực Cồn Bửng thuộc hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cũng diễn biến rất nghiêm trọng. Theo thống kê, khoảng 4 năm trở lại đây, biển xâm thực sâu vào đất liền trung bình khoảng 100m, bờ biển bị sạt lở kéo dài hơn 10km, làm mất đất sản xuất của 97 hộ dân, với diện tích khoảng hơn 100 ha.
Ông Phan Văn Tài, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú thông tin, bãi biển ở huyện Thạnh Phú có chiều dài hơn 20 km; trong đó, có khoảng 7,5 km bờ biển khả năng bị sạt lở mạnh, khu vực bức xúc nhất là Cồn Lợi, xã Thạnh Hải.
Bến Tre là tỉnh nằm giáp biển, hàng năm do nước biển dâng gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng, gây mất đất sản xuất, nhà ở của người dân bị cuốn trôi. Trước thực tế đó, các ngành chức năng tỉnh đã linh hoạt triển khai các giải pháp cứng và mềm để chống sạt lở. Ngoài sử dụng công trình cứng, một trong những giải pháp được lựa chọn là sử dụng kè mềm bằng túi Geotube tại bờ biển Cồn Bửng,với ưu điểm là suất đầu tư thấp. Đây là một trong những đoạn bờ biển của tỉnh Bến Tre bị sạt lở nặng nề nhất huyện Thạnh Phú.
Theo đó, dự án kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, có tổng chiều dài 1.100m, được triển khai xây dựng từ tháng 2/2020 đến 10/2020. Công trình do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre làm chủ đầu tư, tổng kinh phí đầu tư gần 15 tỷ đồng.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho hay, sau hơn hai năm đưa vào sử dụng, công trình kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng và góp phần tái sinh rừng tự nhiên tại khu vực.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã hỗ trợ tỉnh Bến Tre triển khai đầu tư xây dựng các công trình nhằm khắc phục, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 5 dự án khắc phục tình trạng xói lở bờ biển, với tổng chiều dài 4.548 m, tổng mức đầu tư gần 230 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khu vực bờ biển ở Bến Tre bị sạt lở cần được xử lý, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân sống ở vùng ven biển trong sinh hoạt và đời sống. Theo tính toán của ngành chức năng, nếu đầu tư xử lý sạt lở bằng kè cứng có suất đầu tư khoảng 60 - 80 tỷ đồng mỗi km, địa phương không đủ kinh phí để xử lý tất cả các điểm sạt lở bờ biển. Vì vậy, đây đang là vấn đề nan giải của tỉnh Bến Tre, nhất là khi mùa gió chướng cuối năm đang đến gần có khả năng tiếp tục gây ra những vụ sạt lở bờ biển nghiêm trọng hơn.