Bến Tre: Bảo đảm các điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường
Ngành Giáo dục Bến Tre đã và đang triển khai những giải pháp quyết liệt để đón học sinh trở lại trường khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Thời gian qua, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến, qua truyền hình được xem là giải pháp tình thế để học sinh không bị đứt quãng việc học tập. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng dạy học trực tuyến không thể không có những tác động, ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh. Tại Bến Tre, ngành Giáo dục đã và đang triển khai những giải pháp quyết liệt để đón học sinh trở lại trường khi tình hình dịch đã được kiểm soát, qua đó tạo cơ hội để học sinh được giáo dục, trải nghiệm hình thành nhân cách, kỹ năng, kiến thức cần thiết, nhất là đối với học sinh Tiểu học.
Có con gái đang học lớp 1/2 trường Tiểu học Bình Thành 1, chị Trần Thị Ngọc Thanh, ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) chia sẻ, năm học 2021-2022 là một năm học rất đặc biệt đối với con trẻ và cả gia đình. Do mới học vỡ lòng từng chữ cái nên cả học kỳ 1, khi con mở điện thoại vào học, phụ huynh cũng phải cận kề chỉ dẫn thêm. Được thông báo con sẽ đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2, chị Thanh nói, bản thân rất đồng thuận với chủ trương này, bởi học online sẽ giúp học sinh không bị đứt quãng việc học tập trong thời gian dịch bệnh kéo dài; tuy nhiên có những nội dung kiến thức thầy cô lý giải, truyền đạt học sinh sẽ tiếp thu tốt hơn, nhanh hơn.
Cách nhà chị Thanh không xa, bà Bùi Thị Hồng Lan (55 tuổi) đang chuẩn bị sách vở cho cháu ngoại Đặng Lê Bảo Ngọc (học sinh lớp 3/1) đến trường. Bà Lan cho hay, trước đây Bảo Ngọc học tại Thành phố Hồ Chí Minh, do thời điểm bắt đầu năm học dịch bệnh bùng phát nên Bảo Ngọc chuyển về Giồng Trôm ở với ngoại và theo học tại đây. Thời gian học của cháu cũng được phụ huynh theo dõi, cận kề, song dạy học trực tuyến chủ yếu mới chỉ dạy kiến thức các môn học, trong khi yêu cầu ở giáo dục phổ thông là giáo dục con người, nhiều nội dung giáo dục chỉ thực hiện tốt khi học sinh trở lại trường. Theo bà Lan, khi học trên lớp, qua việc quan sát nét mặt, thái độ, cử chỉ của học sinh, giáo viên có thể biết được em đang nghĩ gì, mong muốn gì, có hiểu bài hay không? Giáo viên cũng tìm hiểu được những thay đổi về tâm tư, tình cảm của học sinh…; từ đó, có sự phối hợp với gia đình uốn nắn các em tốt hơn.
Ngoài việc đồng thuận cho trẻ đến trường, bà Lan, chị Thanh cùng nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ mong muốn các cháu được tiêm vaccine phòng COVID-19, đây là cách để con em có một "tấm chắn" an toàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, bởi trẻ em khó đảm bảo đúng các biện pháp 5K khi vui chơi. Hơn nữa, mỗi em được bảo vệ lúc này cũng là biện pháp góp phần tạo miễn dịch cộng đồng mạnh hơn. Đặc biệt, các con được đến trường trong sự an tâm, không chỉ cha mẹ mà nhà trường cũng bớt áp lực về việc kiểm soát dịch bệnh.
Nghe thông báo của trường, em Đặng Lê Bảo Ngọc liên tục hỏi bà xem bao giờ con được đến trường. Ngọc cho hay, trong thời gian tham gia học trực tuyến, với ý thức nghiêm túc, hoàn thành các bài tập được giáo viên giao nhưng kèm với đó là sự sốt ruột, mong chờ từng ngày được đến trường, vì sẽ được bước vào ngôi trường mới, gặp thầy cô, bạn bè mới.
Cô Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Thành 1, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết, để tạo sự đồng thuận cao, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh học sinh phổ biến phương án chuẩn bị đón gần 550 học sinh trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm an toàn về công tác phòng, chống dịch. Qua khảo sát có 98,2% phụ huynh học sinh phấn khởi tán thành với nhà trường và thống nhất cho con em đến trường học trực tiếp theo chủ trương chung của ngành Giáo dục; 1,8% phụ huynh còn tỏ ra băn khoăn, lo lắng vì trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường Tiểu học Bình Thành 1 đã bố trí lại số lượng bàn học đảm bảo giãn cách, tổng vệ sinh trường lớp, bố trí bồn rửa tay, nước sát khuẩn dọc các hành lang, trang bị máy đo thân nhiệt, các kit test nhanh, phòng cách ly khi có trẻ có biểu hiện nghi ngờ… Đồng thời, nhà trường xây dựng thời khóa biểu cho từng khối lớp để tránh tập trung đông, không đảm bảo giãn cách.
Cô Đỗ Thị Hiền chia sẻ, điều quan trọng trong những ngày đầu nhập học, trường sẽ tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp từng nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre, từ ngày 7/2 học sinh khối Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên đã học trực tiếp tại trường. Khối Trung học cơ sở có 129 trường, với 1.884 lớp, có hơn 67,2 nghìn học sinh; khối Trung học phổ thông có 37 trường, với 762 lớp, có hơn 32,1 nghìn học sinh; ngoài ra có 5 trường hai cấp học với 97 lớp, có hơn 3,1 nghìn học sinh… Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt 2 mũi cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi là 98,2%. Riêng khối Tiểu học sẽ học trực tiếp tại trường vào ngày 14/2, với 182 trường, có 3.151 lớp, với hơn 97 nghìn học sinh. Đối với cấp học Mầm non sẽ triển khai trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.
Bà La Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cho hay, việc triển khai dạy học trực tiếp phải đảm bảo an toàn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Hiện nay công tác này đã được chuẩn bị chu đáo. Qua một tuần triển khai thực hiện ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp trên 98%. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cho ngành triển khai tiếp tục tại khối học mầm non và tiểu học.
Theo bà La Thị Thúy, để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh trở lại trường trọc trực tiếp, ngành Giáo dục đã triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh đến tất cả các cở sở trường học, trong đó chú trọng bố trí phòng học tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh, bố trí các phòng cách ly để phòng ngừa các trường hợp có tình hình dịch bệnh xảy ra trong quá trình học trực tiếp.
Cùng với đó, các trường học triển khai thực hiện tốt công việc phân luồng cho các em học sinh khi các em đến trường hoặc khi ra về thì có thể bố trí thời gian lệch giờ, sắp xếp nhiều hướng khác nhau để các em học sinh không tập trung đông, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý cũng như theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh để sớm phát hiện những trường hợp nghi ngờ có biện pháp xử lý hiệu quả.