Bến Tre hỗ trợ kinh phí di dời hơn 2.300 cơ sở chăn nuôi
Theo UBND tỉnh Bến Tre, địa phương đang tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định vùng không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre Võ Văn Ngoan, tổng số cơ sở thuộc diện di dời theo Điều 3 Nghị quyết số 30 trên địa bàn tỉnh là 8.510 cơ sở; trong đó, số cơ sở chăn nuôi tại các khu dân cư hiện hữu; các công trình công cộng (trạm xá, trường học, trụ sở, nhà văn hóa, các cơ sở gây ô nhiễm...) thuộc diện ưu tiên hỗ trợ di dời là 2.309 cơ sở.
UBND các huyện, thành phố đã thông tin tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi bằng các hình thức như tập huấn triển khai; thông tin qua hệ thống loa phát thanh; thông qua hệ thống các đoàn thể tuyên truyền đến tổ nhân dân tự quản. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã cấp kinh phí giải ngân cho 2.309 hộ thuộc diện ưu tiên hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng; còn lại 6.201 cơ sở thuộc diện di dời theo Nghị quyết số 30 nhưng không thuộc diện ưu tiên hỗ trợ.
Riêng trong năm 2025, tỉnh đã cấp bổ sung hơn 38 tỷ đồng cho các huyện, thành phố để thực hiện giải ngân đối với các cơ sở chăn nuôi thuộc diện ưu tiên đã đăng ký di dời trong năm 2024 (nhưng không đủ kinh phí) là 863 cơ sở.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, Nghị quyết số 30 là cơ sở pháp lý để UBND các cấp quản lý hoạt động phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và vật nuôi khác phù hợp với Quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua quá trình thực hiện nghị quyết, tỉnh từng bước di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Qua đó, nhằm giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, xây dựng tỉnh Bến Tre thành đô thị văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt.
Ngoài ra, tỉnh từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch; hình thành cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, góp phần chuyển đổi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Riêng đối với cơ sở chăn nuôi, việc hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tạo điều kiện các cơ sở chăn nuôi chuyển sang chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn dịch bệnh... giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi. Từ đó, góp phần chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế mới phù hợp cho các chủ cơ sở không tiếp tục chăn nuôi.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nghị quyết cũng nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về việc bảo vệ môi trường, không chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi phát triển phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi, việc quản lý gặp nhiều khó khăn do số lượng cơ sở thuộc diện di dời thực tế cao hơn dự báo ban đầu, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí dự trù hỗ trợ. Về phía các cơ sở chăn nuôi, nhiều hộ không có đất để di dời, buộc phải ngừng chăn nuôi trong khi chưa tìm được sinh kế thay thế, đặc biệt là với lao động lớn tuổi. Một số cơ sở tự ý di dời sang đất trồng lúa gây khó khăn trong quản lý quy hoạch.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre, chăn nuôi là một trong những hoạt động sinh kế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bến Tre. Loài vật nuôi chủ lực của tỉnh là lợn, bò và gia cầm. Đây cũng là ngành kinh tế giúp giải quyết được việc làm và góp phần tăng thu nhập cho nông dân địa phương.