Bến Tre: Rực rỡ sắc màu mùa hoa kiểng Tết cổ truyền
Đến huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào thời điểm này, mọi người đều cảm nhận được không khí lao động của nông dân trên cánh đồng hoa kiểng rất hăng say, hối hả. Chợ Lách vào Xuân như cô gái đẹp lung linh sắc màu, rực sáng một góc trời.
Du khách đến Chợ Lách những ngày này, có nhiều cảm xúc, cung bậc khác nhau với vẻ đẹp độc đáo của hoa kiểng Tết. Những ruộng hoa tươi, vườn bon sai dọc theo Quốc lộ 57 mang những gam màu khác nhau bởi hoa kiểng tại đây đa dạng chủng loại, như: cúc mâm xôi, hoa giấy, mai vàng, vạn thọ… cùng các cây kiểng tạo hình bon sai, con thú, mẫu nhà, từ cây quất, si, mẫu đơn, hoa giấy, cây xanh rất độc đáo. Hấp dẫn nhất thời điểm này là hoa giấy bon sai được người dân chăm sóc tỉ mỉ, công phu, tạo tán rất đẹp, lung linh đủ màu sắc làm quyến rũ du khách.
Bà Nguyễn Thùy Trâm, khách du lịch đến từ Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tham quan vườn hoa giấy tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách chia sẻ: “Tôi thấy hoa kiểng ở đây rất đẹp, nhất là hoa giấy. Hoa giấy tại Bến Tre đẹp lắm, đủ sắc màu. Hoa giấy thì nhiều sắc màu lắm làm cho mọi người thấy mùa xuân về ở khắp nơi, rất vui, yêu đời, hạnh phúc”.
Chợ Lách là vùng trồng hoa kiểng lâu đời và có quy mô lớn nhất ở tỉnh Bến Tre, tập trung nhiều vào dịp tết cổ truyền. Năm nay, nông dân địa phương trồng hơn 10 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ thi trường tết khắp cả nước; trong đó các loại hoa cúc đã trổ hoa sớm với màu vàng rực, màu gà đỏ tươi, riêng hoa vạn thọ đang hé nụ sẽ nở hoa vài ngày tới, các loại hoa tươi khác cũng đang khoe sắc thắm, tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Do là nghề truyền thống, lưu truyền qua nhiều thế hệ nên người dân huyện Chợ Lách đã nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa kiểng, nhất là làm sao phải cho hoa nở trúng tết cổ truyền. Trên địa bàn huyện Chợ Lách có hơn 06 nghìn hộ chuyên trồng hoa, cây kiểng thì có khoảng 700 nghệ nhân cấp tỉnh và 07 nghệ nhân cấp quốc gia. Ở thời điểm này, tùy theo từng loại hoa kiểng, tùy chất lượng và địa bàn mà đầu ra khác nhau; trong đó hoa giấy đã được thương lái các nơi đến chọn mua trước để phục vụ thị trường Tết và trưng bày tại các chợ hoa Xuân.
Bà Nguyễn Thị Loan, chủ vườn hoa giấy tại xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay, tôi trồng hoa Giấy thấy trổ đẹp hơn, mình bán được hết rồi, bán chạy hơn năm rồi. Giá bán thì bình dân thôi, ai mua được giá thì mình bán, nếu mua một lô thì bán giá 750 nghìn đồng/chậu còn lựa thì giá đến 900 nghìn đồng/chậu, trồng hoa kiểng chăm sóc mệt lắm”.
Riêng hoa tươi thì hiện nay sức mua còn chậm, ông Lê Văn Ngộ, nông dân trồng hoa Cúc tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách nói: “Hoa Cúc năm nay trồng cũng được nhưng lái mối thì yếu quá, chi phí trồng hơi nặng. Năm rồi mình đem bán tới Tp. HCM, giá từ 150-160 nghìn đồng/cặp, năm náy giá cũng vậy thôi, lãi cũng ít do chi phí nhiều. Mình mong qua lễ hội xem có tiến triển gì không”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, đến thời điểm hiện tại, một số sản lượng hoa, cây cảnh được thương lái đặt hàng; số lượng còn lại người dân mang ra chợ Tết bán hay bán hàng qua kênh online. Hàng năm, địa phương đều liên hệ, kết nối với các chợ hoa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực để người dân thuê lô tiêu thụ hoa, cây cảnh trong dịp cận Tết. Thị trường mua bán hoa kiểng vùng quê này bắt đầu sôi động; đặc biệt lễ hội Hoa kiểng vừa diễn ra đã thu hút hàng chục nghìn du khách đến với Chợ Lách đã kích cầu tiêu thụ mặt hàng nông sản này.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chợ Lách cho biết thêm: “Đến thời điểm này về mặt sản lượng có tăng lên từ 20-30% so năm ngoái. Tình hình tiêu thụ hoa kiểng năm nay có thể rất khá, nông dân bán tại vườn cơ bản ổn hơn năm rồi, còn bán tại chợ thì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân. Nhìn chung hiện tại hoa kiểng Chợ Lách nhờ cộng hưởng có lễ hội hoa kiểng sẽ kích cầu sẽ bán được số lượng lớn”.
Chợ Lách là “vương quốc” cây giống, hoa kiểng” của cả nước; nghề truyền thống trồng hoa, cây tại đây đang từng bước xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch trong làng nghề để tìm hướng đi bền vững. Từ năm 2017, tỉnh Bến Tre thực hiện thí điểm Đề án xây dựng “Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách” kết nối 4 ấp gồm: Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn), An Hòa (xã Long Thới), Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), với tổng diện tích 1.490 ha đi qua 4 xã của huyện Chợ Lách và trung tâm đặt tại xã Vĩnh Thành.
Nghề trồng hoa kiểng hôm nay không chỉ thể hiện bày tay khéo léo, trí sáng tạo của người dân vùng đất Cái Mơn - Chợ Lách, mà đã trở thành ngành kinh tế quan trọng giúp người dân nơi đây “đổi đời”. Hoa kiểng Chợ Lách đã góp phần làm đẹp cho mùa Xuân và làm đẹp cho đời, giúp người dân nơi đây có mùa Xuân nối tiếp mùa Xuân.
Một số hình ảnh hoa Tết tại Chợ Lách:
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ben-tre-ruc-ro-sac-mau-mua-hoa-kieng-tet-co-truyen-post1147976.vov