Bến Tre: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các đơn vị chức năng của tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt việc kiểm soát các nguồn ô nhiễm, ngăn ngừa, ứng phó sự cố môi trường, không để phát sinh các 'điểm nóng' về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.

Tăng cường các giải pháp xử lý mùi hôi tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri - Ảnh: Báo Đồng Khởi

Tăng cường các giải pháp xử lý mùi hôi tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri - Ảnh: Báo Đồng Khởi

UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành công văn số 4439/UBND-KT ngày 12/7/2024 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiều chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, qua kết quả phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu, đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tập trung; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nghiêm, chưa thực hiện tốt công tác xử lý chất thải. Tình trạng ô nhiễm không khí do khói thải từ hoạt động sản xuất than thiêu kết chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm; chất thải từ hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... chưa được xử lý tốt. Một số tuyến kênh, rạch trong nội ô thành phố Bến Tre, thị trấn các huyện đang dần bị ô nhiễm do rác thải, nước thải sinh hoạt; kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường;...

Mới đây nhất, ngày 11/7, khoảng 29 người dân ở xã An Đức và An Hiệp, huyện Ba Tri đã chặn xe chở rác không cho đi vào bãi rác An Hiệp với lý do có mùi hôi phát sinh gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống gần bãi rác.

Công an tỉnh, Sở TN&MT và UBND huyện Ba Tri đã tiếp xúc, đối thoại và vận động người dân chấp thuận cho xe chở rác vào bãi rác. Các đơn vị chức năng cũng đã triển khai các biện pháp cụ thể để hạn chế thấp nhất mùi hôi phát sinh và khuếch tán ra bên ngoài khuôn viên bãi rác.

Không để phát sinh các "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần nâng cao Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh (PEPI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI),... UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vấn đề trọng điểm, cấp bách về môi trường như sau: Ban hành kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tham mưu thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre; giải pháp, phương án kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm tại bãi rác tập trung ở các huyện trong thời gian chờ Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đi vào hoạt động; ban hành Quyết định quy định mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp thực tiễn, đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt kiểm soát các nguồn ô nhiễm, ngăn ngừa, ứng phó sự cố môi trường, không để phát sinh các "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... trọng tâm là các cơ sở có nguồn thải với lưu lượng lớn, có yếu tố nhạy cảm về môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch hoặc đột xuất) việc thực hiện cấp Giấy phép môi trường, thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với UBND các huyện, thành phố.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông, phổ biến pháp luật để nhân dân nhận thức rõ bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; mỗi người dân tự giác, ý thức giảm thiểu xả thải ra môi trường, phân loại rác tại nguồn, đăng ký dịch vụ thu gom, xử lý rác đúng quy định, sử dụng các vật liệu truyền thống, thay thế các sản phẩm bao bì từ nhựa, các vật liệu khó phân hủy khác và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống.

Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định và thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích đầu tư về thoát nước và xử lý nước thải đô thị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tiếp tục quan tâm mời gọi đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở thành phố Bến Tre và các đô thị loại 3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu triển khai và thực hiện tốt các văn bản pháp luật, đề án, chiến lược, kế hoạch, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; phối hợp, hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thủy sản, chất thải nhựa,… trong hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và hoạt động kinh doanh, buôn bán hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương nạo vét các kênh, rạch, công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền để khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 30/2020/NQHĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Sở Công Thương chủ trì, tham mưu triển khai và thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường của ngành công thương trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn thải từ hoạt động công nghiệp (điện mặt trời, chất thải điện tử,…), hoạt động thương mại (dịch chuyển các công nghệ cũ, lạc hậu, nhập khẩu phế liệu,...), an toàn hóa chất,… hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường. Triển khai các mô hình, giải pháp kỹ thuật của ngành về tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, về thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đưa các sản phẩm truyền thống của tỉnh được sản xuất từ các vật liệu thân thiện với môi trường vào các siêu thị, trung tâm thương mại,…; khuyến khích các siêu thị, chợ dân sinh sử dụng túi, bao bì dễ phân hủy thay thế túi nilon khó phân hủy…

NT

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ben-tre-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-ve-moi-truong-102240715165826374.htm