Bên trong cuộc khủng hoảng âm thầm của không quân Ấn Độ

Số phi đội sụt giảm, máy bay cũ kỹ, mua sắm trì trệ – không quân Ấn Độ có đang tự suy giảm sức mạnh trước các đối thủ chiến lược?

Hiện trường vụ rơi máy bay chiến đấu Jaguar của Không quân Ấn Độ ở thành phố Jamnagar, bang Gujarat, Ấn Độ, ngày 2/4/2025. Ảnh: ANI/TTXVN

Hiện trường vụ rơi máy bay chiến đấu Jaguar của Không quân Ấn Độ ở thành phố Jamnagar, bang Gujarat, Ấn Độ, ngày 2/4/2025. Ảnh: ANI/TTXVN

Theo tạp chí Foreign Policy, không quân Ấn Độ (IAF), từng là niềm tự hào của quốc gia Nam Á này, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Những thiếu hụt về năng lực, sự lạc hậu của các phi đội, cùng với quy trình mua sắm quốc phòng chậm chạp và những cân nhắc chính trị phức tạp, đang đẩy IAF vào một tình thế hết sức nan giải.

Từ thiếu hụt phi đội đến điểm nghẽn quy trình mua sắm

Năng lực thực tế của IAF đang ở mức báo động. Theo quy định, IAF cần có 42 phi đội tác chiến, nhưng hiện tại con số này chỉ dừng ở mức tối đa 31 phi đội. Tình trạng thiếu hụt này một phần do quá trình mua sắm quốc phòng của Ấn Độ quá chậm chạp.

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi đội bay của IAF đang ngày càng cũ kỹ. Những chiếc máy bay chiến đấu Jaguar, được biên chế từ năm 1979, vẫn đang hoạt động dù nhiều quốc gia đã đưa chúng vào "viện bảo tàng". Tồi tệ hơn, chỉ trong vài tháng gần đây, ít nhất ba máy bay Jaguar đã gặp nạn trong quá trình huấn luyện, bao gồm cả vụ tai nạn vào ngày 9/7 vừa qua khiến hai phi công thiệt mạng.

Nghiêm trọng hơn, IAF vẫn đang vận hành các máy bay chiến đấu cũ thời Liên Xô, vốn đã được lên kế hoạch cho "nghỉ hưu" từ năm ngoái sau 60 năm phục vụ. IAF hiện đang có kế hoạch loại bỏ dần chúng vào tháng 12 tới, nhưng điều đó vẫn không đủ để bù đắp cho những khoảng trống năng lực khổng lồ.

Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ, Tướng AP Singh, đã công khai chỉ trích Công ty Hàng không Hindustan (HAL) thuộc sở hữu nhà nước vì sự chậm trễ trong việc giao máy bay, đặc biệt là máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas Mk-1A. Chương trình Tejas, khởi động từ những năm 1980, đã gặp vô vàn trở ngại, từ việc động cơ không đủ lực đẩy cho đến việc chưa hoàn thành các thử nghiệm vận hành cần thiết.

Sự suy thoái của HAL, được cho là do sự phụ thuộc vào các hợp đồng chính phủ, thiếu cạnh tranh trong nước và sự phụ thuộc vào việc sản xuất máy bay nước ngoài được cấp phép, đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì và hiện đại hóa phi đội bay của IAF.

Bên cạnh vấn đề HAL, quy trình mua sắm vũ khí của Ấn Độ cũng là một điểm nghẽn lớn. Mặc dù là nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và có ngân sách quốc phòng lớn thứ tư thế giới (78,7 tỷ USD), Ấn Độ lại chi một khoản không cân xứng cho lương và lương hưu quân đội, khiến ngân sách dành cho các khoản chi tiêu đầu tư và hiện đại hóa rất cần thiết trở nên eo hẹp. Điều này buộc IAF phải vật lộn với chi phí khổng lồ của vũ khí tiên tiến và máy bay chiến đấu hiện đại, ngay cả khi đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí ngoài Nga.

Rào cản chính trị và tác động dài hạn

Những cân nhắc và e ngại chính trị cũng góp phần làm suy yếu sức mạnh không quân của Ấn Độ. Một ví dụ điển hình là việc New Delhi từ chối đề nghị của Lockheed Martin vào năm 2016 về việc chuyển dây chuyền sản xuất F-16 từ Mỹ sang Ấn Độ mà không đưa ra lời giải thích. Nhiều người tin rằng quyết định này xuất phát từ sự lo lắng của Ấn Độ về việc sở hữu cùng loại máy bay chiến đấu với Pakistan.

Việc từ chối đề nghị này đã dẫn đến ít nhất hai vấn đề. Về mặt chính trị, Ấn Độ đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để củng cố quan hệ đối tác an ninh với Mỹ. Về mặt chiến lược, đó là một thiếu sót khi không tận dụng cơ hội củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng của chính mình.

Tạp chí Foreign Policy cho rằng tất cả những yếu tố trên đang đẩy không quân Ấn Độ vào một tình thế lưỡng nan, đặc biệt khi đối mặt với hai đối thủ tiềm tàng là Pakistan và Trung Quốc. Nếu không có những cải cách an ninh nội địa đáng kể và một chiến lược mua sắm vũ khí hiệu quả hơn, IAF sẽ phải đối mặt với một bài toán khó khăn, đe dọa làm suy yếu lợi thế quân sự của Ấn Độ trong tương lai gần.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/ben-trong-cuoc-khung-hoang-am-tham-cua-khong-quan-an-do-20250721215712816.htm