Những thách thức của dự án siêu đập thủy điện 167 tỷ USD tại Trung Quốc

Giới phân tích nhận định rằng cú huých kinh tế lớn và năng lượng sạch từ đập thủy điện khổng lồ này đủ lớn để thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc bỏ qua một bên những mối lo ngại về nguy cơ mất đa dạng sinh học và tác động tới mối quan hệ giữa nước này với Ấn Độ...

Một đoạn sông Yarlung Tsangpo ở khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Một đoạn sông Yarlung Tsangpo ở khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Việc Trung Quốc bắt đầu khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất thế giới nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.

Theo tờ Tân Hoa Xã, siêu công trình thủy điện nằm ở phía Đông Tây Tạng này có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 167 tỷ USD, và dự kiến đi vào hoạt động trong thập niên 2030. Công trình này dự kiến có quy mô công suất lớn gấp ba lần Đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện tại.

CÚ HUÝCH KINH TẾ LỚN

Giới phân tích nhận định rằng cú huých kinh tế lớn và năng lượng sạch từ đập thủy điện khổng lồ này đủ lớn để thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc bỏ qua một bên những mối lo ngại về nguy cơ mất đa dạng sinh học và tác động tới mối quan hệ giữa nước này với Ấn Độ.

Theo hãng tin Bloomberg, sự kiện công bố khởi công siêu đập thủy điện này diễn ra vào thứ Bảy tuần trước với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ngoài ra, Tập đoàn Nhã Giang Trung Quốc, một công ty mới sẽ quản lý việc xây dựng con đập, cũng được công bố thành lập.

Dự án gồm 5 nhà máy thủy điện bậc thang, được xây ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo - con sông dài nhất ở khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Ở đoạn chảy qua bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ, sông này được gọi là Brahmaputra.

Hiện chưa có nhiều thông tin về dự án, nhưng mức đầu tư cho thấy quy mô hoành tráng của siêu đập này với con số ước tính cao gấp hơn 4 lần so với mới 37 tỷ USD của Đập Tam Hiệp (hoàn thành vào năm 2009). Dự án hứa hẹn mang lại cú huých kinh tế lớn cho các ngành như xây dựng, xi măng và thép, cùng với nguồn năng lượng sạch mới giúp Trung Quốc tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Theo một phân tích công bố ngày 21/7 của ngân hàng Citigroup, dự án này có thể thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thêm 0,1 điểm phần trăm trong năm đầu tiên xây dựng.

Tin tức về việc khởi công dự án đã khiến hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ Trung Quốc lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần khi các nhà đầu nhận định rằng dự án sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu sức hấp dẫn của các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ. Hợp đồng kỳ hạn 30 năm đã giảm tới 0,5% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/7) tại Thượng Hải, giá cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc và Tập Đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc đồng loạt tăng trần 10%.

Trong khi đó, trên sàn Hồng Kông, cổ phiếu của Tập Đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc tăng 51%. Cổ phiếu các công ty xi măng Huaxin Cement Co. và Anhui Conch Cement Co. cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Giá quặng sắt, hợp đồng tương lai thép thanh và thép cuộn cán nóng cũng đồng loạt tăng.

CĂNG THẲNG QUAN HỆ TRUNG QUỐC - ẤN ĐỘ

Tuy nhiên, dự án này cũng tiềm ẩn một số rủi ro bởi đây có thể là một nguồn cơn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vì sông Yarlung Tsangpo chảy qua bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ và đổ vào sông Brahmaputra, sau đó chảy vào Bangladesh.

Hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Chính phủ đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của dự án siêu đập thủy điện Trung Quốc liên quan tới sông Brahmaputra và sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, bao gồm biện pháp phòng ngừa và khắc phục để bảo vệ sinh kế của người dân Ấn Độ ở khu vực hạ lưu.

Một số chính trị gia Ấn Độ kêu gọi nước này đẩy nhanh xây dựng dự án thủy điện tại Arunachal Pradesh để đáp trả hành động của Trung Quốc. Nghị sĩ Ojing Tasing của bang Arunachal Pradesh cho biết chính quyền bang đang làm việc với cộng đồng địa phương để thúc đẩy dự án Thượng nguồn Sông Siang (Upper Siang) trên nhánh hạ nguồn của sông Brahmaputra.

“Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đập thủy điện, chúng ta không thể ngồi yên,” ông Tasing nói với truyền thông địa phương hôm Chủ nhật (20/7). “Chúng ta phải hành động và chúng ta đang hành động”.

Lễ động thổ siêu đập thủy điện Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm phức tạp trong quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Quan hệ giữa hai cường quốc châu Á đã phần nào ổn định sau 4 năm bế tắc do vụ đụng độ ở biên giới vào tháng 6/2020.

Năm 2024, Bắc Kinh bổ nhiệm đại sứ mới tại Ấn Độ và nhất trí nối lại các đường bay thẳng giữa hai nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực cho công dân Ấn Độ.

Tuy nhiên, căng thẳng vẫn chưa hoàn toàn được giải tỏa. Ấn Độ đang định vị là một trung tâm sản xuất hàng đầu châu Á, thay thế cho Trung Quốc. Mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ của New Delhi những năm gần đây được cho là có thể làm giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đầu tư vào Ấn Độ đối với các công ty Trung Quốc.

Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan hồi đầu năm nay làm leo thang căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh khi một nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói rằng Trung Quốc đã cung cấp hệ thống phòng không và hỗ trợ vệ tinh cho Pakistan. Tại khu vực Nam Á, Pakistan là một trong những đối tác thân cận nhất của Trung Quốc.

VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG

Việc xây dựng siêu đập thủy điện ở hẻm núi bên sông Yarlung Tsangpo, nơi dòng thác đổ xuống từ độ cao 2.000 mét trên khúc sông dài 50km cũng khiến nhiều người lo ngại về tác động tới môi trường. Khu vực này có một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia và là một trong những điểm đến hàng đầu về đa dạng sinh học của Trung Quốc.

Ngoài vấn đề môi trường, dự án cũng đối mặt với các thách thức về việc vận chuyển nguyên vật liệu và đưa công nhân tới địa điểm ở vùng sâu vùng xa như vậy. Cùng với đó là chi phí lớn cho việc lắp đặt đường dây để đưa điện từ đây tới các khu vực đông dân cư hơn ở miền Đông Trung Quốc.

Phản ứng với những lo ngại này, nhà chức trách Trung Quốc khẳng định các khu vực ở vùng hạ lưu sẽ không gặp phải bất kỳ tác động tiêu cực nào từ dự án thủy điện, đồng thời cam kết sẽ triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường tại đây.

Hiện chưa rõ Tập đoàn Nhã Giang sẽ sử dụng nguồn tài chính nào để xây dựng dự án siêu đập thủy điện này. Lâu nay, các dự án thủy điện quy mô lớn ở Trung Quốc thường dùng tiềm năng bán điện trong tương lai để huy động vốn.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-thach-thuc-cua-du-an-sieu-dap-thuy-dien-167-ty-usd-tai-trung-quoc.htm