Bên trong nhà máy xe tăng Mỹ đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ Ukraine

Một nhà máy sản xuất xe tăng ở Ohio đang đóng một vai trò rất quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm trang bị khí tài hiện đại cho Ukraine.

Theo AP, vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth đã tới thăm một nhà máy sản xuất xe tăng ở Lima, bang Ohio. Nhà máy thuộc sở hữu của quân đội Mỹ và vận hành bởi General Dynamics được dự kiến sẽ là nơi tân trang xe tăng Abrams trước khi gửi tới Ukraine.

"Biến thể Abrams nào sẽ được chuyển tới Ukraine vẫn đang được cân nhắc. Chúng tôi còn một số vấn đề phải giải quyết", bà Wormuth nói.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth tới thăm nhà máy xe tăng ở Lima. Ảnh: AP

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth tới thăm nhà máy xe tăng ở Lima. Ảnh: AP

Trong chuyến thăm này, các quan chức Mỹ từ chối đưa ra thông tin chi tiết về những xe tăng Abrams mà Kiev sẽ nhận được. Hiện tại, chính phủ Mỹ đang cân nhắc giữa xe tăng Lục quân, xe tăng Thủy quân lục chiến đã được tân trang lại hoặc một số phiên bản khác. Tuy vậy, dù là phiên bản nào, các xe tăng này sẽ được đại tu ở Lima trước khi tới Ukraine.

Bà Wormuth được giải thích về quá trình chế tạo một xe tăng Abrams. Ảnh: AP

Bà Wormuth được giải thích về quá trình chế tạo một xe tăng Abrams. Ảnh: AP

Cũng theo Bộ trưởng Wormuth, thời hạn gửi xe tăng Abrams tới Ukraine phụ thuộc vào việc Mỹ sẽ lấy xe tăng từ kho huấn luyện quân sự hiện có hay từ các đơn vị Lục quân. Bên cạnh đó, việc cung cấp xe tăng cho Kiev cũng cần được điều tiết hài hòa với các hợp đồng bán hàng khác, bao gồm 250 xe tăng Abrams phiên bản mới nhất cho Ba Lan và 75 chiếc cho Australia.

Trên thực tế, các nhà thầu Mỹ không có thói quen chế tạo xe tăng mới 100%. Họ thường tận dụng những chiếc xe tăng cũ hơn, phá bỏ chúng và sử dụng thân xe rỗng làm để chế tạo một chiếc mới. Quá trình này mất từ 18-24 tháng.

Bộ trưởng Wormuth bên cạnh phiên bản mới nhất của xe tăng Abrams. Ảnh: AP

Bộ trưởng Wormuth bên cạnh phiên bản mới nhất của xe tăng Abrams. Ảnh: AP

Nhà máy ở Lima hiện có khoảng 800 nhân viên, có thể chế tạo 15-20 xe bọc thép mỗi tháng, bao gồm cả xe tăng. Tuy vậy, trong trường hợp cần thiết, nhà máy có thể cung cấp 33 xe bọc thép mỗi tháng.

Kết thúc chuyến thị sát, Bộ trưởng Wormuth nói rằng quân đội Mỹ sẽ đầu tư khoảng 558 triệu USD cho việc nâng cấp nhà máy trong vòng 15 năm tới, tập trung vào các dây chuyền tự động hóa.

"Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến cho mọi người nhận ra tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ. Nhà máy ở Lima là một phần của tiến trình này", bà Wormuth cho biết.

Dây chuyền sản xuất xe tăng bên trong nhà máy ở Lima. Ảnh: AP

Dây chuyền sản xuất xe tăng bên trong nhà máy ở Lima. Ảnh: AP

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ben-trong-nha-may-xe-tang-my-dong-vai-tro-lon-trong-viec-ho-tro-ukraine-2112093.html