Năm 1997, tại khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), lần đầu tiên 3 phôi thai được cấy thành công vào tử cung của 3 phụ nữ hiếm muộn. Ngày 30/4/1998, 3 em bé được thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đầu tiên của Việt Nam chào đời đủ ngày đủ tháng, khỏe mạnh, hồng hào.
Phòng lab IVF của Bệnh viện Từ Dũ cũng sáng đèn suốt đèn 25 năm qua để đem con đến cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Phòng đặc biệt này là nơi tạo ra con người. Do đó, nhân viên lab, dụng cụ, môi trường nuôi cấy... đòi hỏi phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt, vô trùng tuyệt đối.
Theo chị Trần Thị Hạnh Dung, Trưởng Lab thụ tinh ống nghiệm, tất cả nhân viên phòng lab đều làm việc liên tục dưới kính hiển vi có độ phóng đại rất lớn. Các thao tác được thực hiện trên hệ thống rất tỉ mỉ, bởi các giao tử hoặc phôi thời kỳ tiền làm tổ rất nhỏ bé, không thể quan sát bằng mắt thường.
Trứng sau khi chọc hút sẽ được nhân viên lab quan sát và kiểm tra chất lượng qua kính hiển vi. Sau thao tác này, nhân viên lab sẽ thực hiện quy trình thụ tinh đặc biệt, theo tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng.
Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm 10 năm gần đây tại Bệnh viện Từ Dũ là hơn 23.000. Tỷ lệ đậu thai lâm sàng lên đến hơn 45%.
Trứng và tinh trùng sau khi đạt yêu cầu về chất lượng sẽ được cấy để tạo phôi. Trong hình, nhân viên lab đang thao thác cấy tinh trùng vào trứng để tạo phôi.
Các phôi này tiếp tục được theo dõi sự phát triển trong vòng 2-5 ngày (tùy trường hợp). Phôi tốt nhất được lựa chọn để chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ để phát triển.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, cho biết đơn vị này là nơi đầu tiên trong cả nước ứng dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới nhất của thế giới. Bên trong phòng lab - nơi được ví như trái tim của đơn vị hỗ trợ sinh sản - những nhân viên luôn tập trung cao độ, theo dõi từng phút, từng giờ sự nảy sinh của các mầm sống.
Tủ cấy để nuôi trứng sau khi thụ tinh, đây là một loại tủ cấy thế hệ mới trên thế giới.
Nơi lưu trữ và đông lạnh tinh trùng, noãn, mô buồng trứng, mô tinh hoàn hoặc phôi để sử dụng cho các chu kỳ điều trị tiếp theo. Tất cả được chứa trong các bình chứa nito lỏng -196 độ C. Khi có nhu cầu sử dụng, các mẫu này mới được lấy ra khỏi nito lỏng và rã đông theo quy trình chuẩn đảm bảo chất lượng.
Hai tuần sau chuyển phôi, người vợ đến bệnh viện để xét nghiệm beta HCG. Trường hợp chưa thành công có thể tiếp tục dùng phôi trữ đông lạnh để chuyển vào tử cung ở các chu kỳ tiếp theo mà không cần lặp lại các bước trước đó.
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 55.000 đến 60.000 lượt khám hiếm muộn. Từ khi thành lập khoa Hiếm muộn đến nay, bệnh viện đã chào đón hơn 16.300 em bé thụ tinh trong ống nghiệm ra đời.
Duy Hiệu