Trung tâm Giống đà điểu Ninh Hòa (thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) rộng hơn 150 ha. Nơi đây là trại nuôi đà điểu lớn nhất cả nước, mỗi năm xuất ra thị trường hàng nghìn con và sản phẩm thịt, thuộc da cho thị trường.
Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài chăm sóc hàng chục nghìn con đà điểu. "Cũng là nghề nuôi chim, nhưng loài chim này vất vả hơn nhiều", anh Lê Đình Khiêm, công nhân nuôi đà điểu cho biết.
Đà điểu là loài chim lớn nhất thế giới với chiều cao lên đến gần 3 m. Từ lúc nở đến khi trưởng thành mất thời gian nuôi 10-12 tháng, lúc này mỗi con có thể đạt trọng lượng 100 kg.
Giá trị của đà điểu đến từ thịt, da và lông của chúng.
Thịt đà điểu có dinh dưỡng cao, còn lông và da của chúng cho ra các sản phẩm như túi xách, giày dép... có giá trị kinh tế cao.
Dù là loài cao lớn, thức ăn của đà điểu chỉ là các loại rau. "Đà điểu rất thích rau muống, bèo hay cỏ voi... nên việc lo thức ăn cho chúng khá dễ", anh Tùng, công nhân nuôi đà điểu cho biết.
Các loại cỏ, rau được xay nhỏ trước khi đưa vào chuồng cho đà điểu ăn.
Mỗi con đà điểu trưởng thành có thể ăn 3 kg cỏ mỗi ngày.
"Nuôi đà điểu khó nhất là khâu chọn giống, ấp trứng rồi giai đoạn nuôi ấp lồng. Giống bố mẹ phải chọn rất kỹ lưỡng, có nguồn gốc khỏe mạnh không bệnh tật. Lúc đẻ người chăm sóc phải 'đỡ đẻ' cẩn thận không cho trứng rơi xuống đất nếu không sẽ bị nhiễm khuẩn", ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm giống đà điểu Ninh Hòa, cho biết.
"Mỗi con đà điểu đều có mã số riêng theo nó từ lúc trứng mới đẻ đến lúc trưởng thành. Các công đoạn đánh số này được làm rất nghiêm ngặt, tránh bị đồng huyết lúc chọn giống và cũng là hồ sơ, xuất xứ của mỗi sản phẩm làm từ đà điểu", ông Tưởng cho biết thêm.
Đà điểu bố mẹ phải được chọn theo dòng và chỉ khi trưởng thành mới phân biệt được trống mái dựa trên màu sắc. Trong ảnh là con trống với màu lông đen, chân, mỏ có màu đỏ đặc trưng.
Ngay khi đẻ mỗi quả trứng đều được đánh mã số về thời gian đẻ, tên đà điểu bố mẹ đến ký hiệu của con non sau này.
Làm nghề "đỡ đẻ" cho đà điểu gần 17 năm, anh Lê Đình Khiêm cho biết đã có hàng trăm con đà điểu được anh chăm sóc, đỡ đẻ. "Một con đà điểu có thể sống tới 60 năm, nhưng nếu là bố mẹ giống thì chỉ khai thác khoảng 12-15 năm là thải loại. Muốn đỡ đẻ được cho đà điểu mình phải chăm sóc chúng suốt 3 năm để làm thân, quen mùi nếu không bạn sẽ bị tấn công hoặc không thể tới gần được", anh Khiêm kể.
Trứng đà điểu ấp ở nhiệt độ 36,2-36,8 độ C trong khoảng 40 ngày sẽ nở.
Chăm sóc đà điểu con là công đoạn khó khăn nhất vì phải đảm bảo nhiệt độ, thức ăn dinh dưỡng đủ đến tiêm vaccine phòng bệnh. "Giai đoạn này nó ngủ mình mới được nghỉ ngơi, còn không phải thức canh như nuôi con nhỏ", một công nhân cho biết.
Xuân Hoát