Bên tượng đài Bác Hồ ở Bảo tàng các nền văn minh châu Á
Trong chuyến thăm Singapore lần này, tôi vô cùng xúc động khi được chiêm ngưỡng bức tượng Bác Hồ trong khuôn viên Bảo tàng các nền văn minh châu Á và đọc lại bài thơ 'Nghe tiếng giã gạo' của Người.
Bảo tàng các nền văn minh châu Á (Asian Civilisations Museum) nằm cạnh sông Singapore, cách công viên Sư tử biển (Merlion park) khoảng 1 km. Đây là bảo tàng duy nhất trong khu vực được dành riêng để khám phá di sản nghệ thuật của châu Á, khắc họa sự kết nối lịch sử giữa các nền văn hóa của châu Á và giữa châu Á với thế giới. Bảo tàng nằm ở khu vực trung tâm thủ đô, lại gần các địa điểm du lịch hấp dẫn khác nên luôn thu hút sự quan tâm của du khách.
Trong không gian rộng lớn của Bảo tàng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng cùng tượng đài nhiều nhà lãnh đạo, danh nhân châu Á khác. Để tưởng nhớ những nhân vật nổi tiếng và được người dân tôn kính từng đặt chân đến Singapore, Chính phủ Singapore (thông qua Ủy ban Di sản quốc gia) đã thực hiện chương trình “Những người bạn đến bờ biển chúng ta” (Friends to Our Shores). Trên cơ sở đó, tháng 5/2008, nhân dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nước bạn đã khánh thành bia tưởng niệm Người tại khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á. Đến tháng 9/2011, Ủy ban Di sản quốc gia Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thống nhất đặt thêm bức tượng đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh bia tưởng niệm.
Bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng đồng, cao 0,55m, bề ngang 0,36m. Bên cạnh là phiến đá hoa cương trang trọng cao 1,78m, rộng 0,54m và dày 0,21m, có 2 mặt. Mặt trước khắc văn bia gồm 62 dòng song ngữ Anh - Việt chữ trắng trên nền vàng giới thiệu ngắn gọn nhưng khá đầy đủ tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Văn bia cũng ghi rõ: “Người đã dừng chân một thời gian ngắn ở Singapore vào tháng 5/1930. Cũng năm này, Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông”; “Do những hoạt động cách mạng của mình, Người đã bị chính quyền Anh bắt giam từ năm 1931 đến năm 1933. Sau đó, Người được trả tự do. Người đã cố gắng vượt biển về Liên Xô qua đường Singapore. Người đến Singapore vào tháng 1/1933 nhưng sau đó phải quay trở lại Hồng Kông”.
Những dòng cuối văn bia khắc: “Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới”.
Mặt sau bia khắc bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” của Bác bằng 3 thứ tiếng: Việt, Trung, Anh. Có lẽ bài thơ khá nổi tiếng, hợp với triết lý sống cho rất nhiều người khắp mọi quốc gia nên tôi thấy có nhiều du khách người nước ngoài cũng chăm chú đọc, ghi chép:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công
Bà Trần, một du khách người Trung Quốc chia sẻ: “Tôi rất thích bài thơ này, bài thơ rất hay, nó đúng cho rất nhiều người, trong đó có tôi”. Nhiều du khách Việt Nam cũng nhận xét: các bản dịch rất sát nghĩa, giúp người đọc có thể hiểu hết nội dung tư tưởng của Bác Hồ, nhất là các quốc gia châu Á có sản xuất nông nghiệp với phương thức chế biến truyền thống: giã gạo.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Singapore là nơi các vị nguyên thủ quốc gia, các đoàn công tác của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban ngành Việt Nam thường đến dâng hương, trong đó gần đây nhất, ngày 2/12/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng nhớ Người. Đây cũng là nơi những người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Singapore thường đến viếng thăm.
Cùng với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khuôn viên Bảo tàng các nền văn minh châu Á cũng đặt tượng của Jawaharlal Nehru (Ấn độ), Đặng Tiểu Bình (Trung Quốc) và Thomas Stamford (Anh) - người đã đem tài năng và sức lực biến Singgapore từ một làng chài thành quốc đảo xinh đẹp và phồn thịnh như hôm nay.