Độc đáo những làng nghề nướng cá nổi tiếng xứ Nghệ

Cá nướng là món ăn truyền thống đậm nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Nghệ và là đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm sum họp gia đình hay làm quà biếu cho khách quý mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Trung bình tháng giáp Tết, nhiều cơ sở nướng cá ở làng Diễn Vạn, huyện Diễn Châu cung cấp vài chục tạ cá nướng cho thị trường.

Trung bình tháng giáp Tết, nhiều cơ sở nướng cá ở làng Diễn Vạn, huyện Diễn Châu cung cấp vài chục tạ cá nướng cho thị trường.

Cận kề Tết Nguyên đán, nhiều làng nướng cá nổi tiếng ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Đậm hương vị biển

Những ngày này, tại cơ sở nướng cá của bà Hồ Thị Thắng, xóm Yên Đồng, xã Diễn Vạn luôn tất bật, nhộn nhịp bởi các đơn hàng đặt cá nướng làm quà biếu tăng cao.

“Cận Tết, các đơn hàng đặt cá nướng liên tục dồn về. Mỗi ngày, cơ sở xuất bán 5 - 7 tạ nhưng vẫn không đủ hàng cho khách đặt. Năm nay, giá nguyên liệu tăng cao, nên giá cá nướng dao động từ 50.000 - 500.000 đồng/kg”, bà Thắng nói.

Để kịp đơn hàng đã đặt, cơ sở nướng cá của bà Thắng phải thuê 5 nhân công chạy nước rút thực hiện các công đoạn rửa cá, chế biến, lên kẹp, nướng cá, đóng gói... để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Từ chủ cơ sở đến các nhân công phải dậy từ sáng sớm và làm việc đến tối mịt mới đủ hàng bán cho khách. Trung bình tháng giáp Tết, cơ sở của gia đình cung cấp vài chục tạ cá nướng cho thị trường từ Bắc chí Nam.

Theo nhiều hộ dân trong xã Diễn Vạn, nghề này được duy trì quanh năm. Tuy nhiên vào dịp Tết, lượng tiêu thụ tăng gấp 2 - 3 lần nên hầu hết các cơ sở nướng cá trên địa bàn xã đều phải thuê thêm lao động, tăng công suất lò nướng để kịp đơn hàng. Để có con cá ngon, các chủ lò phải dậy từ 3 giờ sáng, đến bãi biển Diễn Thành, Diễn Bích (huyện Diễn Châu) hay xa hơn là các cảng biển tại thị xã Cửa Lò, Cửa Hội; Quỳnh Phương, Quỳnh Tiến (thị xã Hoàng Mai)... để mua cá.

Cá biển sau khi được đưa về sẽ được sơ chế, làm ruột cá, rửa sạch rồi phân loại, phơi trong 3 - 5 giờ cho ráo nước trước khi đưa vào lò. Bếp than nướng cá rất đơn giản, dùng 3 - 5 thanh sắt nhỏ quấn lá dứa rồi đặt lên hai viên gạch, cho than vào, nhóm lửa là có thể nướng cá cả ngày.

Phục vụ đơn hàng Tết, nhiều cơ sở phải thuê 10 nhân công đỏ lửa từ sáng đến tối để nướng cá.

Phục vụ đơn hàng Tết, nhiều cơ sở phải thuê 10 nhân công đỏ lửa từ sáng đến tối để nướng cá.

Hàng ngày, từ sáng đến tối, các bà các chị vẫn phải ngồi bên bếp than nóng rực để nướng cá. Mỗi ngày, người nướng cá được chủ lò trả từ 200.000 - 350.000 đồng, thu nhập hàng tháng trên 6 triệu đồng/người.

Nói về nghề nướng cá của mình, bà Hồ Thị Tiến (62 tuổi), xóm Trung Phú tâm sự: “Nghề nướng cá vất vả lắm, phải chịu khó, kiên trì. Sáng sớm tinh mơ đã phải đi làm đến 18 - 9h mới xong công việc. Mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến gần 40 độ C, cá nướng ra thơm ngon nhưng những người ngồi nướng cá bên bếp than nóng rực như chúng tôi lại cực nhọc hơn”.

Không chỉ ở Diễn Vạn, những ngày cuối năm, các cơ sở nướng cá thu ở phường Nghi Thủy và Nghi Hải (Thành phố Vinh) cũng đỏ lửa suốt ngày đêm. Mùi cá nướng thơm nức lan tỏa khắp nơi. Dịp Tết Nguyên đán nhu cầu cá nướng của khách hàng tăng cao, đơn đặt hàng gấp đôi ngày thường. Hiện hai phường này có hơn 40 hộ dân chuyên chế biến sản phẩm cá thu nướng Cửa Lò với sản lượng khoảng 250 tấn/năm.

Cá thu nướng được chế biến theo từng khúc và phục vụ trực tiếp du khách thưởng thức ngay tại chỗ. Hoặc cá sẽ được để nguội trên các vỉ tre, sau đó đóng gói bảo quản và phân phối tới lượng lớn khách hàng ở các tỉnh phía Bắc và mang làm quà ở nước ngoài cho người Việt xa quê.

Thời điểm cuối năm âm lịch, cơ sở nướng cá thu của bà Nguyễn Thị Lan, phường Nghi Thủy phải thuê 8 nhân công để làm các công đoạn. Chuẩn bị cho đơn hàng dịp Tết Nguyên đán, mỗi ngày cơ sở của bà Lan nướng hơn 1 tấn cá thu để phục vụ cho thị trường. Trong đó có loại cá thu lưới (cá thu vừa đánh bắt về chưa qua đông lạnh, ướp đá) rất tươi ngon được nhiều người đặt mua.

Bà Nguyễn Thị Lan cho biết: “Cá thu nướng thường được đặt mua về để ăn Tết hoặc biếu người thân làm quà, vì vậy cũng sẽ được nướng kỹ và cẩn thận hơn. Những miếng cá được nẹp thêm thanh tre mỏng để tạo hình thẳng đẹp, không bị vỡ nát, sau đó sẽ được hút chân không để giữ vị thơm ngon và bảo quản cho sản phẩm được đẹp mắt, dễ dàng vận chuyển”.

Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, người nướng phải có kinh nghiệm, lật càng đều tay cá càng thơm ngon. Cá nướng được xem là ngon khi bề ngoài có màu cánh gián, thịt chín tới, thớ thịt màu trắng, dậy mùi thơm phức, khi ăn cá có vị ngọt, béo.

Hướng tới sản phẩm đặc trưng vùng biển

Những ngày cuối năm, các cơ sở nướng cá thu ở phường Nghi Thủy và Nghi Hải (Thành phố Vinh) cũng đỏ lửa suốt ngày đêm.

Những ngày cuối năm, các cơ sở nướng cá thu ở phường Nghi Thủy và Nghi Hải (Thành phố Vinh) cũng đỏ lửa suốt ngày đêm.

Nằm dọc lạch Vạn hướng ra biển, làng Trung Hậu, xã Diễn Vạn có hàng chục lò nướng cá hai bên con đường xương sống của làng. Ban đầu, chỉ có một vài hộ gia đình ở xóm đứng ra thu mua cá rồi đem nướng lên sau đó mang bán tại các chợ trong huyện Diễn Châu. Lâu dần, cá nướng Diễn Vạn lần lượt có mặt tại khắp các chợ xứ Nghệ và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Những ngày cuối cùng của năm, tại các cơ sở nướng cá này than vẫn đỏ rực, mùi cá nướng thơm phức tỏa khắp cả một vùng. Nghề nướng cá mang về nguồn thu nhập khá lớn cho người dân nơi đây.

Ông Hoàng Thiên Long, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn chia sẻ, nghề nướng cá biển ở xã Diễn Vạn đã có từ lâu đời, nhờ có bí quyết riêng mà cá ở đây nổi tiếng với hương vị thơm ngon, béo ngậy, mang đậm hương vị của biển. Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ với hơn 300 lao động làm nghề. Nghề nướng cá đã tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Cao điểm là mùa du lịch và dịp Tết, sản lượng tăng gấp đôi, một số hộ lời hàng trăm triệu đồng. Địa phương cũng đang xây dựng, quy hoạch khu vực chế biến, nướng cá tập trung cho người dân để chuyển vào làm, đảm bảo vấn đề môi trường, giao thông, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn, tiến tới hoàn tất thủ tục để chứng nhận làng nghề truyền thống, xây dựng sản phẩm OCOP.

Nhiều năm trở lại đây, làng nghề cá nướng ở các huyện vùng biển Nghệ An như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh phát triển mạnh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Thời gian qua, nhiều địa phương vùng biển Nghệ An cũng đã lên phương án ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại và mang tính bền vững. Trong đó, hướng tới đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn để các hộ dân chuyển vào đây làm nghề tập trung. Hệ thống lò nướng được đầu tư bài bản giúp người dân giảm nhẹ sức lao động mang lại năng suất cao và phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường do khói than gây ra.

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu cá nướng của khách hàng tăng cao, đơn đặt hàng gấp đôi ngày thường.

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu cá nướng của khách hàng tăng cao, đơn đặt hàng gấp đôi ngày thường.

Ngoài ra, hạ tầng tại khu vực này cũng rộng rãi thuận lợi cho việc vận chuyển, bốc dỡ, phơi hong cá, sản phẩm làm ra sạch sẽ và thơm ngon hơn rất nhiều so với nướng tại nhà; mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Với các khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở vùng bãi ngang, đây không chỉ là nơi tập kết, mua bán hải sản mà còn là không gian thoáng rộng, sạch sẽ để người dân sử dụng và trở thành điểm đến phục vụ khách du lịch khi đến các bãi biển đẹp ở Nghệ An. Các địa phương cùng các chủ thể cũng nỗ lực xây dựng sản phẩm cá nướng trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng vùng biển.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, các đơn vị liên quan cần xây dựng nhiều chương trình tour, tuyến du lịch đến các làng nghề, cộng đồng dân cư, hộ sản xuất kinh doanh, các cửa hàng bán các sản phẩm OCOP, để khách du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và mua sắm. Bên cạnh đó, các địa phương cần gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP; thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch biển, du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP của địa phương, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doc-dao-nhung-lang-nghe-nuong-ca-noi-tieng-xu-nghe-20250108092216071.htm