Thợ cắm hoa lan dịp Tết - nghề 'hái ra tiền' mỗi năm chỉ có một lần
Những ngày cuối năm, nhiều cơ sở kinh doanh lan hồ điệp bắt đầu vào vụ Tết. Đây cũng là thời điểm các thợ cắm hoa lan 'hái ra tiền'. Nhưng để cắm được một chậu lan đẹp là cả một quá trình lao động cả về trí óc và đôi bàn tay khéo léo.
Những năm gần đây, người dân khá ưa chuộng các loại lan hồ điệp để chơi dịp Tết. Bởi, ngoài màu sắc tươi, độ bền cao thì mỗi chậu lan chính là một tác phẩm nghệ thuật được làm kì công. Lan hồ điệp còn tượng trưng cho sự phú quý, may mắn và thịnh vượng.
Tại TP Vinh (Nghệ An) bắt đầu từ tháng Chạp, thị trường loài hoa quý này đã nhộn nhịp, thợ kết lan nhờ đó có dịp “ăn nên làm ra”. Chị Phạm Thị Thủy, chủ cơ sở kinh doanh hoa lan lớn ở đường Lê Nin, TP Vinh cho biết, năm nay để phục vụ thị trường, 2 cơ sở của chị nhập về xấp xỉ 20.000 cành lan các loại.
Để đáp ứng nhu cầu, chị đã thuê 3 tốp thợ từ các vùng miền về kết lan. Thợ chính tiền công được chị trả theo cành kết được; thợ phụ tính theo ngày công hoặc sản phẩm. Chia sẻ về việc tại sao phải thuê nhiều tốp thợ cắm hoa đến từ nhiều nơi khác nhau, chị Thủy cho hay mỗi vùng có một phong cách riêng, tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân.
Đối với thợ kết lan trên chất liệu bình gốm, sứ chị thuê từ TP Hồ Chí Minh ra; còn kết bình lan tròn sẽ thuê từ miền bắc; riêng kết lan trên gỗ lũa thì thuê người dân tộc Tày ở Thanh Hóa. “Kết lan bình đòi hỏi sự uyển chuyển, mềm mại, yêu kiều; kết lan gỗ lũa đòi hỏi dáng lan phải mang khí chất núi rừng, do đó tôi phải thuê người ở vùng núi về ghép gỗ”, chị Thủy chia sẻ.
Với đòi hỏi kỹ thuật cao nên chủ cửa hàng này trả công cho thợ chính theo cành hoa lan. Theo đó, tiền công thợ dao động từ 15 đến 20.000 đồng/cành lan tùy vào từng sản phẩm. Nhưng đối với những cành hoa lan cắm trên gỗ lũa thì chị trả công cao hơn, khoảng 60 nghìn đồng.
Từ TP Hồ Chí Minh ra Nghệ An cắm hoa theo lời mời của cửa hàng hoa lan, anh Phan Quốc Tiến cho biết, bản thân có hơn 7 năm kinh nghiệm làm nghề. Công việc này năng khiếu chỉ chiếm một phần, cốt yếu vẫn là đam mê, trách nhiệm với công việc và tinh thần không ngừng học hỏi. Bởi xu hướng cắm hoa, chơi hoa mỗi năm một khác, người thợ nếu không chịu khó học hỏi sẽ không bắt kịp thị trường.
Cũng theo thợ cắm hoa, làm công việc này không thể rập khuôn mà phải luôn sáng tạo để khoe được vẻ đẹp kiêu kì của hoa lan, cũng như phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ và thị hiếu của khách hàng. Nhờ tay nghề cao, mỗi ngày thu nhập của anh từ 3 đến 5 triệu đồng. Đỉnh điểm, ngày cao điểm, nhiều đơn hàng anh làm việc xuyên đêm đến 2,3 giờ sáng thì thu nhập gần chục triệu đồng.
Là thợ nữ hiếm hoi trong các nhóm thợ về Nghệ An cắm hoa lan dịp Tết, chị Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, đã quen với áp lực công việc cắm hoa những ngày cuối năm. Mỗi thợ có một cách kết riêng và tùy theo thị hiếu, yêu cầu của khách. Tuy nhiên, phải đáp ứng được các quy chuẩn về màu sắc, sự cân xứng, ý nghĩa của thế dáng. Tùy theo chất liệu khác nhau như chậu sứ, gỗ lũa… mà người thợ có cách cắm khác nhau.
Theo chị Hiền, vì hoa lan có giá trị cao nên người thợ làm phải cẩn thận. Muốn có thu nhập cao trong tháng Tết đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Để làm việc này đòi hỏi nhiều yếu tố. “Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng để cắm được một bình lan đẹp là cả một quá trình lao động cả về trí óc và đôi bàn tay. Không đơn giản là lần lượt xếp từng bầu lan lên bình mà người thợ phải phác thảo trong đầu bố cục, hình khối bình hoa, để đảm bảo tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật cao, khoe được vẻ đẹp từng bông hoa lan”, chị Hiền chia sẻ.
Hơn nữa, giá trị những bình lan có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Vì thế, yêu cầu về vẻ đẹp, sự độc đáo, hài hòa lại càng cao. Người thợ phải dồn cả tâm trí, sự cẩn thận vào từng cánh hoa.
Nghề cắm hoa lan tuy vất vả nhưng bù lại người thợ có thu nhập cao. Những người thợ cũng rất vui khi tác phẩm nghệ thuật của mình được khách hàng trầm trồ, lần lượt “rinh” về nhà chưng Tết.