Bến xe Miền Đông mới chưa đủ điều kiện hoạt động
Sở GTVT TP.HCM cho rằng chủ đầu tư Bến xe Miền Đông mới cần khắc phục những tồn tại và phát sinh, nhằm đảm bảo đưa bến xe vào hoạt động thuận lợi, an toàn.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về hoạt động của Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới ở quận 9. Theo đó, sở này cho rằng BXMĐ mới chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động.
Nhiều hạng mục chưa hoàn thành
Sở GTVT cho hay qua kiểm tra, rà soát, sở nhận thấy: Về cơ bản, các công việc liên quan đến đầu tư xây dựng và trang thiết bị cơ sở vật chất cần thiết, giao thông kết nối cho BXMĐ mới theo quy định, Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco), chủ đầu tư dự án, đã hoàn thành.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề tồn tại khác mà BXMĐ mới chưa đáp ứng được để đưa vào khai thác.
Cụ thể, về vấn đề pháp lý, theo báo cáo của Samco, đến nay công tác đăng ký địa điểm kinh doanh đã hoàn thành nhưng việc thực hiện thủ tục ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT chưa hoàn tất.
Về đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga BXMĐ mới đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu. Trong đó, hạng mục công trình chấp thuận kết quả nghiệm thu là nhà ga bến xe (không bao gồm các tầng hai, ba, bốn của nhà ga).
Qua kiểm tra thực tế, Sở GTVT nhận thấy các tầng hai, ba, bốn của nhà ga mới hoàn thiện việc xây dựng phần thô và ốp gạch, nội thất bên trong các tầng này chưa được hoàn thiện, khu vực nhà ga (tầng một) chưa ốp trần.
Đặc biệt, Samco chưa xây dựng nhà điều hành xe buýt nên chưa thể tổ chức kết nối với công trình nhà ga (dù hiện nay, việc tổ chức cho hoạt động xe buýt nội tỉnh kết nối với xe khách liên tỉnh đang sử dụng tạm khu đón trả khách tại tầng hầm B1 của nhà ga này).
Ngoài ra, về vấn đề liên quan đến giao thông nội bộ, Sở GTVT đã đề nghị Samco di dời dải phân cách tuyến đường E3 hiện hữu để tăng bề rộng mặt đường, đảm bảo bề rộng tối thiểu cho ô tô con lưu thông một chiều (hướng từ quốc lộ 1 đến đường số 13) để phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, Samco không đồng ý với phương án này và cho rằng ô tô đi vào tuyến đường nội bộ bến xe sẽ gây mất an ninh, trật tự.
Như vậy, từ một số nguyên nhân trên, Sở GTVT cho rằng việc BXMĐ mới vào hoạt động giai đoạn 1 là chưa đủ điều kiện.
Cần khắc phục các tồn tại
Với các vấn đề phát sinh và tồn tại nêu trên, Sở GTVT TP.HCM cho rằng BXMĐ mới cần phải hoàn thiện các nội dung này trước khi đưa vào hoạt động chính thức.
Theo đó, Sở GTVT đề xuất UBND TP giao Samco khẩn trương phối hợp với Sở TN&MT để hoàn thành thủ tục ký hợp đồng thuê đất. Ngoài ra, công ty này cần thực hiện hoàn tất việc cung cấp dịch vụ tiện ích bên trong khuôn viên bến xe, hoàn chỉnh cơ sở vật chất, các trang thiết bị và nội thất bên trong khuôn viên nhà ga (cả việc ốp trần nhà ga).
Trước đó, Samco cho biết ngày 15-8, BXMĐ mới sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 1. Tuy nhiên, sau đó công ty này lại có văn bản báo cáo UBND TP về việc bến xe tạm hoãn ngày hoạt động cho đến khi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP có chỉ đạo mới và sau khi tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát, không còn ca lây nhiễm tại cộng đồng.
Đồng thời, Samco phải rà soát thực hiện các hạng mục công trình kỹ thuật và nhà ga như xây dựng công trình trạm điều hành xe buýt; di dời dải phân cách hiện hữu để tăng bề rộng mặt đường E3 nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân và duy trì tổ chức đường nội bộ trong khuôn viên bến xe.
Mặt khác, công trình xây dựng hầm chui trước khu vực BXMĐ mới (trên quốc lộ 1) hiện đang triển khai và đã sẵn sàng phương án tổ chức giao thông phục vụ khai thác BXMĐ mới (trong đó tạo vuốt nối khu vực cổng F1 và khu vực cổng F3, đảm bảo độ dốc dọc và bán kính rẽ, thuận lợi cho các phương tiện ra vào bến xe).
Tuy nhiên, tiến độ hầm chui dự kiến cuối năm 2020 mới hoàn thành, do đó toàn bộ công trình trước mặt tiền bến xe được rào chắn để phục vụ thi công. Việc này cũng gây ảnh hưởng đến mỹ quan khi đưa BXMĐ mới vào khai thác.
Sở GTVT cũng đề nghị UBND quận 9 phối hợp khẩn trương tổ chức đầu tư xây dựng đường A8 (đã có chủ trương đầu tư công và được giao vốn lập dự án, hiện đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng).
Giao thông kết nối đã hoàn thiện
Về lộ trình xe buýt phục vụ hành khách, giao thông kết nối xung quanh bến xe như lắp đặt biển báo, nâng các tuyến đường kết nối đã được Sở GTVT và Samco thống nhất.
Cụ thể, các tuyến vận tải hành khách cố định được di dời có hành trình. Theo đó, số tuyến di dời giai đoạn 1 là 29 tuyến, với bình quân khoảng 40 chuyến/ngày, số lượng dự kiến là 261 xe. Đồng thời, sở sẽ công bố 71 tuyến vận tải cố định được di dời giai đoạn 1.
Về xe buýt kết nối, Sở GTVT tổ chức tuyến xe buýt 55, 76 đi vào hoạt động trong BXMĐ mới ở giai đoạn 1. Các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thực tế và tổ chức nhằm kịp thời đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung xe buýt phù hợp nhằm phục vụ người dân.
Ngoài ra, Samco đã hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống các biển báo giao thông, sơn đường, lắp đặt hàng rào, thiết lập các điểm chốt
chặn , xây dựng đường tạm kết nối nội bộ từ nhà ga ra đường số 13 để đáp ứng việc đi lại của các phương tiện giao thông cá nhân.
Giao thông khu vực: Các con đường kết nối đã được duy tu, sửa chữa như D400, Hoàng Hữu Nam, đường số 13. Hệ thống biển báo, chỉ dẫn, hướng dẫn trên các tuyến đường thuộc hành trình kết nối bến xe và xung quanh khu vực bến đã được rà soát, hoàn chỉnh.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã có phương án tổ chức giao thông với công trình hầm chui khi đưa bến xe vào hoạt động.