Bệnh cúm gia cầm và các biện pháp phòng chống

Dịch bệnh cúm gia cầm (CGC) gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và gây tử vong cho người, người chăn nuôi cần chủ động phòng chống.

Người dân nên mua con giống khỏe mạnh, sạch bệnh ở các trang trại lớn để phòng chống dịch cúm

Người dân nên mua con giống khỏe mạnh, sạch bệnh ở các trang trại lớn để phòng chống dịch cúm

1. Đặc điểm chung của bệnh

- Bệnh CGC là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay ở Việt Nam đã xác định chủng virus gây bệnh thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Khi gia cầm bị mắc bệnh thì thường bị ở thể rất nặng, tuy nhiên ở vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Trong thực tế có một số chủng virus CGC không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người.

- Virus có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi ở nhiệt độ thấp, 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh và dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70°C trong 5 phút. Trong tủ lạnh và tủ đá, virus có thể sống được vài tháng.

2. Biểu hiện

- Thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1 - 3 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của virus. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày.

- Gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

3. Cách phòng chống

- Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, tự túc con giống. Có thể mua con giống khỏe mạnh, sạch bệnh ở các trại giống lớn đã được cơ quan thú y cấp phép và thực hiện cùng nhập, cùng xuất bán trong một thời điểm. Sau xuất bán, tiến hành vệ sinh khử trùng tiêu độc và để trống chuồng ít nhất 1 tuần mới nhập giống mới.

- Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống. Người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động bảo đảm.

- Vệ sinh làm sạch nhằm loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ.

- Chuồng nuôi phù hợp với lứa tuổi, giống gia cầm, bảo đảm về nhiệt độ, mật độ nuôi, thức ăn, nước uống, bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi có yếu tố bất lợi để tăng sức kháng bệnh cho gia cầm.

- Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết nghi mắc CGC, phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương và cơ quan thú y huyện. Nếu có các dấu hiệu điển hình của bệnh CGC thể độc lực cao thì phải tiến hành tiêu hủy ngay không chờ kết quả xét nghiệm. Tuyệt đối không mua, bán gia cầm ốm, gia cầm trong đàn bị bệnh, gia cầm không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Không vứt xác chết, chất thải bừa bãi ra môi trường.

NGUYỄN MINH ĐỨC

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/benh-cum-gia-cam-va-cac-bien-phap-phong-chong-228612