Bệnh đau mắt đỏ
Bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) bùng phát và đang lây lan có nguy cơ trở thành dịch. Sở Y tế đã có nhiều thông tin hướng dẫn nhân viên y tế bảo vệ sức khỏe mắt cho mọi người và các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ.
1. Nguyên nhân: Thời điểm giao mùa hè sang thu, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh, vì thế bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là virus. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường như do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi,... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.
2. Triệu chứng: Ban đầu triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, chảy nước mắt, mắt có ghèn trong, sưng phù mi, cộm khó mở mắt khi ngủ dậy. Bệnh thường khởi phát từ vài giờ đến vài ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Nếu đau mắt do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus sẽ gây nên tình trạng chảy nước mắt, phù mi, ghèn vàng hoặc xanh. Ở trẻ nhỏ, đau mắt đỏ có thể đi kèm viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ,... Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện giả mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi.
3. Khuyến cáo:
- Hàng ngày, mọi người bảo vệ mắt bằng nhỏ nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; có thể dùng thêm các loại thuốc nhỏ bổ mắt có chứa vitamin A, B2, B3, B6, B9, B12, Lutein và Zeaxanthin,…
- Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Đi ra đường nên mang kính chống khói, bụi và đeo khẩu trang. Khi đến nơi công cộng cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay. Nếu trong gia đình có người đau mắt cần cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối,…
4. Phác đồ điều trị bệnh đau mắt: Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành trong Quyết định số 40/QĐ-BYT, ngày 12/01/2015 quy định rõ:
Trường hợp viêm kết mạc cấp:
+ Trong những ngày đầu bệnh diễn biến nhanh, tra nhiều lần thuốc dưới dạng dung dịch (15-30 phút/lần) một trong các nhóm sau:
- Aminoglycosid: Tobramycin
- Fluoroquinolon: Ofloxacin, Ciprofloxacin, Levofloxacin, Moxifloxacin, Gatifloxacin,...
- Thận trọng khi dùng Corticoid: Prednisolon acetat, Fluorometholon.
Khi bệnh thuyên giảm có thể giảm số lần tra mắt.
Phối hợp tra thuốc mỡ một trong các nhóm trên trưa và tối.
+ Dinh dưỡng giác mạc và nước mắt nhân tạo.
+ Thuốc nâng cao thể trạng.
Trường hợp viêm giác mạc do vi khuẩn:
+ Kháng sinh chống vi khuẩn (theo kháng sinh đồ). Nếu không có kết quả kháng sinh đồ thì điều trị như sau:
1. Thuốc tra mắt:
+ Nếu do vi khuẩn gram (-): Tobramycin 0,3% hoặc Levofloxacin 0,5%.
+ Nếu do vi khuẩn gram (+): Ofloxacin 0,3% hoặc Moxifloxacin 0,5% hoặc Gatifloxacin 0,5%.
Hai thuốc sau có phổ kháng khuẩn rộng nên có thể dùng điều trị cả vi khuẩn gram (-).
Cách dùng: Ngày đầu có thể tra mắt liên tục cách nhau 30 phút, những ngày sau tra mắt 10 lần/ngày.
2. Thuốc uống: Có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau
+ Cefuroxime axetil 250 mg ngày uống 2-3 viên chia 2 lần, trong 5-7 ngày.
+ Ofloxacin 0,2 g ngày uống 2 viên chia 2 lần, trong 5-7 ngày
Điều trị phối hợp
+ Chống viêm non-steroid: Tra mắt: Dung dịch indomethacine 0,1% tra mắt 4 lần/ngày.
- Tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và toàn thân.
- Chống chỉ định tuyệt đối dùng corticoid trong giai đoạn ổ loét đang tiến triển.
“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên”
Chúc mọi người có kiến thức chăm sóc mắt tốt, tuân thủ y lệnh của bác sĩ để giữ gìn đôi mắt đẹp./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/benh-dau-mat-do-a162832.html