Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại châu Phi: WHO cảnh báo mức độ nghiêm trọng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo đáng lo ngại về tình hình bệnh đậu mùa khỉ tại châu Phi, nơi dịch bệnh đang lây lan với quy mô lớn. Từ tháng 1/2024 đến ngày 5/1/2025, đã có 14.700 ca mắc được xác nhận, trong đó 66 ca tử vong, được ghi nhận tại 20 quốc gia trên lục địa này.
WHO cho biết các trường hợp được xác nhận chỉ là một phần nhỏ trong tổng số ca nghi ngờ do năng lực chẩn đoán tại nhiều quốc gia châu Phi còn hạn chế. Các ca chưa được xét nghiệm "do đó không bao giờ được xác nhận", dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Báo cáo mới nhất của WHO chỉ ra rằng đợt bùng phát hiện tại liên quan đến nhiều nhánh của virus, đặc biệt là biến thể Clade Ib, đang lây lan mạnh tại Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia lân cận.
Ngoài ra, các ca mắc bệnh liên quan đến du lịch nhập khẩu do biến thể này gây ra cũng được phát hiện bên ngoài châu Phi. Phần lớn các trường hợp này là người lớn, bị nhiễm virus trong thời gian ủ bệnh hoặc giai đoạn đầu của bệnh và được chẩn đoán sau khi đến quốc gia khác.
Theo WHO, biến thể Clade Ib được phát hiện lần đầu tại tỉnh Nam Kivu (phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo) vào tháng 9/2023. Đến giữa tháng 8/2024, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi đã tuyên bố đợt bùng phát là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đe dọa an ninh y tế khu vực. Ngay sau đó, WHO nâng mức cảnh báo toàn cầu cao nhất đối với bệnh đậu mùa khỉ, lần thứ hai trong vòng hai năm.
Trong một diễn biến liên quan, Sierra Leone vừa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên kể từ khi mức cảnh báo toàn cầu được nâng lên. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia, bệnh nhân là một người đàn ông 27 tuổi sống tại vùng nông thôn phía Tây, gần thủ đô Freetown.
Quốc gia này từng chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Ebola một thập kỷ trước, khi khoảng 4.000 người tử vong, trong đó có gần 7% là nhân viên y tế.
WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường năng lực xét nghiệm và hợp tác quốc tế để đối phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời, các nỗ lực cần tập trung vào việc ngăn chặn lây lan biến thể mới, cải thiện năng lực y tế và hỗ trợ các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém.