Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại nhiều quốc gia: Nhóm chuyên gia chỉ ra điều bất thường
Gần đây, tổ chức Y tế thế giới (WHO) họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh châu Âu có thể đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm.
Điều bất thường trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ gần đây
Bệnh đậu mùa khỉ là dạng bệnh hiếm gặp, gây ra bởi virus đậu khỉ. Gần đây, tổ chức Y tế thế giới (WHO) họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh châu Âu có thể đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm.
Virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng). Ở người, virus lây truyền chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, song, nó không thể văng xa đến vài mét, vì vậy cần phải tiếp xúc gần mới có thể lây nhiễm. Dựa trên đánh giá dịch tễ học, khả năng lây lan dịch gần đây chủ yếu ở những người có nhiều bạn tình.
Virus đậu khỉ, tương tự như đậu mùa, thuộc chi Orthopoxvirus. Virus này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như đậu mùa nhưng bệnh cảnh thường nhẹ hơn. Dù có tên là bệnh đậu mùa khỉ nhưng bệnh không phải do virus của khỉ gây ra. Hiện nay, vật chủ lây virus này chưa được xác định rõ, nhưng các sinh vật được nghĩ tới hàng đầu là loài gặm nhấm và sóc nhỏ sống trong rừng nhiệt đới ở châu Phi, chủ yếu ở phía Tây và trung tâm châu Phi.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát bệnh tương tự như thủy đậu xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, khi đó, chúng mắc bệnh giống như đậu mùa.
Do đó, nó có tên là đậu mùa khỉ. Trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo và sau đó, bệnh đậu mùa khỉ trên người tiếp tục được báo cáo ở các nước Trung và Tây Phi khác.
Từ năm 2016, các trường hợp bệnh cũng được xác nhận và báo cáo tại Sierra Leone, Liberia. Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi ngày càng gia tăng do con người ngày càng xâm phạm môi trường sống của các loài động vật mang virus. Hiện nay, đợt bùng phát ở châu Âu đang dấy lên lo ngại do đậu mùa khỉ hiếm khi xảy ra ở các nước ngoài khu vực châu Phi.
Từ tháng 5, hơn 100 ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận chủ yếu ở các nước Châu Âu, khác với những lần dịch bệnh trước đó. Điều bất thường của đợt bùng phát là nó xảy ra ở những quốc gia nơi căn bệnh này không phổ biến trước đó.
Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Hiện nay, nguyên nhân lây lan bệnh đang được các nhà khoa học xem xét, có thể xuất phát chủ yếu do quan hệ tình dục với người mắc bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với đậu mùa.
Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng) thường là 7 - 14 ngày nhưng có thể là 5 - 21 ngày. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5 - 21 ngày sau khi nhiễm virus. Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm:
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao
- Đau đầu
- Đau cơ
- Đau lưng
- Sưng hạch bạch huyết (sự khác biệt giữa đậu mùa và đậu mùa khỉ)
- Rùng mình (ớn lạnh)
- Kiệt sức
- Phát ban (xuất hiện từ 1 đến 5 ngày sau khi có các triệu chứng đầu tiên và thường bắt đầu trên mặt, sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể).
Các bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở nước Anh có tỉ lệ tử vong chỉ khoảng 1%, mức độ nguy hiểm khá nhẹ. Tuy vậy, chúng ta không thể chủ quan. Mặc dù có triệu chứng nhẹ hơn bệnh đậu mùa nhưng mới đây nhất, số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ tử vong ở các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ rơi vào khoảng 3-6%.
Trẻ em, thiếu niên và những người có hệ miễn dịch suy giảm là những đối tượng có nguy cơ bị bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai mắc đậu mùa khỉ sẽ dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu.
Con đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ
- Bị cắn hoặc chạm vào máu, dịch cơ thể, đốm, mụn nước hoặc vảy của một con vật bị nhiễm bệnh bệnh đậu mùa khỉ.
- Do ăn thịt của động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ hoặc do chạm vào các sản phẩm khác từ động vật bị nhiễm bệnh (chẳng hạn như da hoặc lông động vật).
- Chạm vào quần áo, ga trải giường hoặc khăn tắm mà người bị bệnh đậu mùa khỉ đã sử dụng.
- Chạm vào các vết phồng rộp hoặc đóng vảy trên da của bệnh đậu mùa khỉ.
- Khi tiếp xúc gần người bị bệnh đậu mùa khỉ ho hoặc hắt hơi.
Sự khác biệt của đậu mùa khỉ và thủy đậu, đậu mùa
Dưới đây là các triệu chứng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ và cách so sánh với bệnh thủy đậu, bệnh đậu mùa.
Phát hiện và điều trị
- Đậu mùa khỉ được chẩn đoán thông qua xét nghiệm PCR, dựa trên mẫu xét nghiệm lấy từ vết phát ban của bệnh nhân.
- Bệnh thường nhẹ và hầu hết bệnh nhân khỏi bệnh trong vài tuần. Việc điều trị chủ yếu là giảm nhẹ các triệu chứng và hỗ trợ, bao gồm phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thứ phát. Vaccine đậu mùa có thể được xem xét để dự phòng sau phơi nhiễm cho những người tiếp xúc gần có nguy cơ mắc bệnh nặng tăng lên, tuy nhiên cần thực hiện đánh giá lợi ích / nguy cơ cẩn thận đối với người bị phơi nhiễm. Ngoài ra, thuốc kháng virus là lựa chọn điều trị tiềm năng cho các trường hợp nghiêm trọng.
- Theo Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh, vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể được sử dụng cho cả trước và sau khi phơi nhiễm, có hiệu quả tới 85% trong việc ngăn ngừa đậu mùa khỉ.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
- Chỉ ăn thịt khi đã được nấu chín kỹ.
- Không đến gần động vật hoang dã hoặc đi lạc, các động vật không khỏe, kể cả động vật đã chết.
- Không dùng chung giường hoặc khăn tắm với những người không khỏe và có thể bị bệnh đậu mùa.
- Không tiếp xúc gần với những người không khỏe và có thể bị bệnh đậu mùa khỉ.
- Theo WHO và ECDC, các quốc gia cần cảnh giác với các tín hiệu bệnh ở trên và bất kỳ bệnh nhân hay động vật nào bị nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được xác nhận. Hãy cách ly cho đến khi các tổn thương của họ đóng vảy, vảy bong ra và một lớp da tươi bên dưới hình thành. Hầu hết các trường hợp có thể ở nhà với sự chăm sóc hỗ trợ. Các quốc gia cũng cần không ngừng nâng cao nhận thức giữa các cộng đồng có khả năng bị ảnh hưởng,... để xác định và ngăn ngừa các trường hợp thứ phát tiếp theo và quản lý hiệu quả đợt bùng phát hiện tại.
- Nhân viên y tế nên đeo PPE thích hợp (găng tay, áo choàng chống nước, mặt nạ phòng độc FFP2) khi sàng lọc các trường hợp nghi ngờ hoặc chăm sóc một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhân viên phòng thí nghiệm cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh tiếp xúc với mầm bệnh.
Nhóm tác giả:
Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).
Trần Huyền Thoại (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).
Nguyễn Tiến Huy (PGS, TS, BS; Khoa Y, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)
Tài liệu tham khảo:
https://bit.ly/3sZW7j3
https://bit.ly/3lNG1VH
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2828073/?fbclid=IwAR3fX7KZ-ZFDM_uVl7oxrmENIikWOPLC4OcUboPGl-0VU1AfCrzMU4V3KlU
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8007331/?fbclid=IwAR034Z3LdJvRVR3n92UHG41zIbMJxhK_s8jklntDw0f2xPDpKuV5vLsf5y0
https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/index.html
https://www.nhs.uk/conditions/monkeypox/
https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2022-DON385
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/monkeypox
https://bit.ly/3GnnE37
https://www.insider.com/monkeypox-smallpox-chickenpox-rash-symptoms-chart-virus-outbreak-2022-5