Bệnh đậu mùa khỉ - Chuyện không chỉ một Quốc gia

Đi qua hơn hai năm chịu tác động, ảnh hưởng to lớn, nặng nề của 'cơn bão' đại dịch COVID-19, đến nay, thế giới lại phải đối mặt với không ít nỗi lo về bệnh đậu mùa khỉ, một thứ bệnh có thể dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không được ngăn ngừa, phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời. Và hiển nhiên, câu chuyện đậu mùa khỉ không còn là mối quan tâm, lo ngại của riêng một quốc gia bởi ngay thời điểm 23/7 năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì 'làn sóng' bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã 'kích hoạt' tinh thần cảnh giác, không thể lơ là, chủ quan với thứ bệnh có thể nói nguy hiểm này.

Điều trị cho trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Trung Phi. Theo nhandan.vn

Theo số liệu từ thời điểm cuối tháng 7 năm 2022 của WHO, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia (trong đó phần lớn là ở châu Âu) và đã có hàng chục bệnh nhân tử vong do đậu mùa khỉ gây ra. Điều đáng nói là, từ nhiều thập kỷ, bệnh đậu mùa khỉ chỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài hai khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh, tới cả những nước trước đây không hề phát hiện căn bệnh này. Rõ ràng, với tốc độ lây lan nhanh như vậy đòi hỏi mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ phải nâng cấp độ phòng, chống dịch bệnh với những kịch bản, biện pháp phù hợp, trong đó chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa được xem như một trong những giải pháp cần thiết, nhất là trong bối cảnh thông thương đã được mở rộng ở nhiều quốc gia khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Từ sự khuyến cáo của các chuyên gia y tế, có thể nhận diện tổng quan về bệnh đậu mùa khỉ bởi đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm, lây truyền qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước, sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Các nhà khoa học cảnh báo, bất kỳ ai tiếp xúc gần với người bị bệnh đậu mùa khỉ cũng có khả năng mắc bệnh, thậm chí kể cả dùng chung quần áo, ga trải giường. Các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và phụ nữ mang thai được cho là có nhiều khả năng bị bệnh nặng hơn.

Qua thống kê cho thấy, 99% tổng số ca bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi xuất hiện ở nam giới, trong số đó 98% ca bệnh liên quan đến người có quan hệ tình dục đồng giới, chủ yếu là những người có nhiều bạn tình, tình một đêm...Tại Việt Nam, tuy đến cuối tháng 7 năm 2022 chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nào nhưng theo các chuyên gia, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở nước ta là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia (trong đó ở châu Á đã có những nước ghi nhận bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, thêm vào đó là sự giao lưu đi lại thuận tiện, có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong khu vực.

Xác định rõ nguy cơ, mức độ nguy hại, nhằm ngăn ngừa, phòng chống sự xâm nhập, lây lan của bệnh đậu mùa khỉ với phương châm chủ động, kịp thời phòng bệnh từ sớm, từ xa, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 680/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, chủ động kiểm soát, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe người dân. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu (đối với địa phương có cửa khẩu), phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu, phải chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ, khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ. Thủ tướng giao Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, khuyến cáo của WHO để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời; thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong...

Về phía Bộ Y tế cũng đã có những động thái tích cực, kịp thời. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đề nghị các đơn vị liên quan tập trung năng lực, tăng cường giám sát, phát hiện bệnh đậu mùa khỉ tại tất cả cửa khẩu và các tỉnh, thành thông qua giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ sở y tế, đồng thời xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Sở Y tế các địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và sáu biện pháp phòng, chống tạm thời, đặc biệt là tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; người có các triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; người đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ; đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện: Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ; chủ động phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (US CDC) và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán, đề xuất hỗ trợ các sinh phẩm phục vụ giám sát, chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ... Ở tỉnh ta, cùng với nhiều biện pháp tích cực, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 701-QĐ/TU ngày 4/8/2022 kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên người tỉnh Phú Thọ với những nhiệm vụ cụ thể càng cho thấy sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh đậu mùa khỉ nói riêng.

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/benh-dau-mua-khi-chuyen-khong-chi-mot-quoc-gia/186138.htm